Qua kinh nghiệm lâm sàng; BS CK1 Nguyễn Văn Hoàng Tâm – BS điều trị tại phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: hiện nay không ít trẻ em tầm 16 tuổi đã xuất hiện những bệnh mạn tính nư: đau lưng, béo phì, tiểu đường tuýp 2. Thậm chí có trường hợp 13 tuổi bị đau lưng do béo phì, nguyên nhân là do trọng lượng cơ thể quá nặng, lưng không gánh nổi. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống, vận động không hợp lý và môi trường giải trí “bê tông hoá”. Trẻ thích ngồi trong nhà, phòng máy lạnh chơi game, chơi các thiết bị điện tử hơn là ra môi trường thoáng mát, không khí trong lành chơi các trò chơi vận động.

Hiện tượng lười vận động ở trẻ cũng còn liên quan đến yếu tố giới tính, trẻ em gái khi bước vào tuổi dậy thì thì giảm ham muốn vận động thể chất, đây là yếu tố sinh lý chứ không thuần túy tâm lý.
Khi trẻ vận động hợp lý thì sẽ cải thiện sức khỏe cơ bắp, hệ tim mạch, hô hấp, cải thiện sức khỏe xương khớp, cải thiện chiều cao, cấu trúc cơ thể hài hòa…giảm triệu chứng trầm cảm. Nhờ đó mà tinh thần được sảng khoái hơn, kết quả học tập cũng tốt hơn. Đó là chưa kể trẻ biết sống kỷ luật, hòa đồng và biết nhường nhịn hơn.
Làm thế nào để tạo cho trẻ em thói quen tập luyện thể thao? Tại Chương trình tư vấn và tầm soát sức khỏe tháng 10/2019 của phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với chủ đề “Tập luyện thể thao ở trẻ – Những điều cần lưu ý”, BS CK1 Nguyễn Văn Hoàng Tâm đã trình bày chi tiết về chủ đề này.
Chương trình cũng được BS.CK1.Phan Vương Huy Đổng – BS điều trị tại phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ về “Cách phòng ngừa chấn thương thể thao ở trẻ em”.