Home / Y tế / Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nào không cần giấy phép hoạt động ?

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nào không cần giấy phép hoạt động ?

Đó là các cơ sở thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy không cần giấy phép hoạt động nhưng các cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Điều kiện bắt buộc theo quy định đó là: người thực hiện phun, xăm, thêu phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và cơ sở thẩm mỹ phải đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định (tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP)gửi về Sở Y tế.

ảnh minh họa

Dưới đây là các quy định pháp luật liên quan đến các cơ sở cung ứng các dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da:

Theo quy định, có 2 loại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu: (1) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cần phải có giấy phép hoạt động và (2) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động:

Đối với các cơ sở thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động: là những cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, nhưng người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, theo quy định, loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần phải xin giấy phép hoạt động này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

ảnh minh họa

Đối với các cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động: đó là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế).

Dù là theo hình thức nào thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Như vậy, ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước theo quy định pháp luật, các cá nhân, tổ chức muốn được đào tạo nghề, dạy nghề hợp pháp thì các tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các trường hợp đào tạo học nghề, cấp chứng chỉ học nghề đối với các doanh nghiệp hay cụ thể ở đây là trung tâm thẩm mỹ (không có chức năng đào tạo, dạy nghề hợp pháp) chưa tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì các chứng chỉ đã được cấp không có giá trị sử dụng. Doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo viên đã được cơ quan chức năng thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì mới có thể tuyển sinh, tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên.

Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp (khoản 2 Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP). ). Về trình tự, thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp:(1) Hồ sơ được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trự sở chính của cơ sở, (2) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này; (3) Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý (khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP).

ảnh minh họa

Hiện nay, chỉ có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu thuộc diện không cần xin giấy phép hoạt động gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế theo quy định và chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu nào được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động. Do đó, việc tăng cường giám sát và phát hiện các cơ sở hành nghề và cơ sở dạy nghề thẩm mỹ xăm, phun, thêu quảng cáo và hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật trên địa bàn quận, huyện và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra các Sở có liên quan cương quyết xử lý nghiêm là biện pháp cần được tiếp tục đẩy mạnh. Ngoài việc các Phòng Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và các Sở khác có liên quan để xử lý nghiêm, Ngành Y tế mong người dân và các cơ quan báo, đài tiếp tục cung cấp các thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để cương quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM