Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây nóng lên thông tin liên quan đến vụ sản phụ tử vong ở TP Đà Nẵng nghi do thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy. Ở Cần Thơ đã thay thế thuốc này từ tháng 4-2019.
Vụ việc càng “cao trào” hơn khi có thông tin cho rằng Sở Y tế TP Cần Thơ đã báo cáo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về thuốc này và Cục cho rằng không hề nhận được công văn này và đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ báo cáo trong ngày 25-11-2019.
Ngày 26-11-2019, trao đổi với Báo Cần Thơ, dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước Tồn, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ báo cáo. Ngày 25-11-2019, Sở Y tế đã báo cáo về Cục Quản lý Dược. Trong đó nêu rõ sự việc như sau:
Đầu tháng 4-2019, Sở Y tế TP Cần Thơ tham gia cùng Đoàn giám sát triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam của Cục Quản lý Dược tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Trong cuộc họp, Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện và cũng là Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL có trình bày về các trường hợp tai biến tại Long An và Bến Tre do sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine do Ba Lan sản xuất và xin ý kiến của Đoàn về hướng giải quyết và đề xuất Sở Y tế TP Cần Thơ (chủ đầu tư) chỉ đạo cho thay thế thuốc khác. Trưởng đoàn giám sát của Cục Quản lý Dược đề nghị Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL sớm có văn bản báo cáo Cục Quản lý Dược và báo cáo tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR) về Trung tâm ADR.
Tại thời điểm đó, TP Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp báo cáo ADR nào khi sử dụng thuốc gây tê nêu trên nên Sở Y tế không đủ căn cứ để làm công văn đề nghị Cục Quản lý Dược cho ngưng sử dụng thuốc hoặc thay thế thuốc. Tuy nhiên, để đảm bảo cho người sử dụng và không để thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị trên địa bàn, căn cứ vào đề nghị của đơn vị sử dụng (công văn số 569 ngày 23-4-2019 của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ về việc xin thay thế thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy) và công ty trúng thầu là Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 (công văn số 094 ngày 4-4-2019 của Công ty Cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1, chi nhánh TP Hồ Chí Minh về việc xin thay thế thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy), Sở Y tế ban hành công văn số 1287 ngày 25-4-2019 về việc thay thế thuốc trúng thầu 2018 thuốc gây tê Bupivacaine Wpw Spinal 0,5% heavy do Ba Lan sản xuất bằng thuốc do Pháp sản xuất. Công văn 1287 gởi cho các đơn vị trực thuộc và công ty trúng thầu là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1. Tức là chỉ thông báo nội bộ trong các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế.
Dược sĩ Nguyễn Phước Tồn khẳng định, Sở Y tế TP Cần Thơ dựa trên đề nghị của Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL tại cuộc họp nêu trên và các đơn vị sử dụng để đồng ý cho phép công ty trúng thầu thay thế thuốc khác sử dụng trên địa bàn TP Cần Thơ, chứ chưa gởi công văn đề nghị về Cục Quản lý Dược như các báo điện tử đã nêu.
Cũng theo dược sĩ Nguyễn Phước Tồn, thuốc do Pháp sản xuất có giá cao hơn nhưng Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 cung cấp bằng giá thuốc do Ba Lan sản xuất.
Công văn của Cục quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế TP Cần Thơ báo cáo.
Báo cáo trả lời của Sở Y tế TP Cần Thơ.