Home / Kinh tế / Đầu tư / Thúc đẩy hợp tác kinh doanh Mekong-Nhật Bản

Thúc đẩy hợp tác kinh doanh Mekong-Nhật Bản

Lãnh đạo TP Cần Thơ gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản

Xoay quanh chủ đề “Thúc đẩy hợp tác về công nghệ, du lịch và phát triển nông nghiệp thông minh” của Diễn đàn hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong năm 2019 diễn ra trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại TP Cần Thơ, đại diện chính quyền các địa phương Nhật Bản và ĐBSCL cung cấp những thông tin cụ thể về địa phương và sự trải nghiệm hợp tác kinh doanh để doanh nghiệp Nhật Bản hiểu và gắn kết hơn với TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Khán Nam

Tiềm năng vùng ĐBSCL

Ông Nguyễn Phương Lam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết, các nhà đầu tư đánh giá môi trường đầu tư tại ĐBSCL ngày càng cải thiện tích cực. Tại ĐBSCL, Nhật Bản có mức đầu tư khiêm tốn, tập trung ở một số địa phương nhất định, chủ yếu trong ngành chế tạo, mua bán lẻ, xây dựng. Tính đến cuối năm 2018, tại ĐBSCL, Nhật Bản có 166 dự án với vốn đầu tư 2,2 tỉ USD, chiếm 10% tổng số nhà đầu tư quốc tế tại ĐBSCL. Ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh, ĐBSCL có đủ điều kiện đáp ứng mọi sự phát triển. Theo đó, TP Cần Thơ có nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực: logistics, xây dựng, y tế, giáo dục cao cấp…

Khu vực ĐBSCL với 18 triệu dân, là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng. ĐBSCL còn là vùng sản xuất, chế biến nông sản lớn nhất cả nước. Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển của ĐBSCL và cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho vùng ĐBSCL phát triển. Đó là lợi thế ưu tiên cho các nhà đầu tư khi đến hợp tác kinh doanh tại đây. Trong 5 năm trở lại đây, ĐBSCL thu hút nhiều lĩnh vực mới. Nếu như 20 năm trước, các nhà đầu tư đến ĐBSCL tập trung chủ yếu vào ngành chế biến, gia công thì những năm trở lại đây, xuất hiện thêm nhiều ngành mới: dịch vụ, du lịch, các giải pháp chế biến thực phẩm…

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 hai bên đạt 36,8 tỉ USD, cán cân kim ngạch giữa hai nước cân bằng nhau. Hàng hóa xuất nhập khẩu hai nước bổ trợ cho nhau: phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất sang Nhật Bản là thủy sản, may mặc, đồ gỗ; nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc, linh kiện điện tử, nguyên liệu. Thị trường Nhật Bản phát triển không nhanh, nhưng rất chắc chắn, an toàn và sòng phẳng. Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam nếu được thị trường Nhật Bản chấp nhận thì cũng có thể xuất sang được các thị trường khó tính nhất. Năm 2018, Việt Nam có gần 70.000 học sinh du học Nhật Bản. Nguồn nhân lực này sẽ là nhân tố tích cực phục vụ cho nhà dầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Thúc đẩy mối liên kết

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển bền vững còn là phát triển bền vững cho cả nước. Nền kinh tế thông minh hài hòa tự nhiên là xu hướng phát triển kinh doanh mới cho vùng.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tại thị trường Nhật Bản, tỉnh có trên 1.600 lao động, thực tập sinh. Đây không chỉ là những lao động thuần túy đi làm để tăng thu nhập, mà chính là nguồn nhân lực cho tương lai của tỉnh. Với suy nghĩ đó, Đồng Tháp đã thay đổi cách hành xử, cách tiếp cận hỗ trợ, cách tuyển chọn lao động và thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài. Chương trình đưa người lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài không còn là chương trình xóa đói, giảm nghèo mà nâng lên thành “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững”, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đại diện chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trao đổi tại diễn đàn.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó  Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vấn đề an toàn, an ninh cũng được chú trọng. Thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, thương mại, vui chơi, giải trí. Để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, chính quyền thành phố nỗ lực xúc tiến đầu tư, xây dựng Khu Công nghiệp hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời ban hành 10 cam kết cho nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nếu như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản thì Cần Thơ nằm trong top 5 thành phố lớn mà Nhật Bản đang hướng đến. Trong mối liên kết vùng, lợi thế của TP Cần Thơ là phát triển cảng biển quốc tế. Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp quan tâm, bởi vận chuyển có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh… Cần Thơ có thể tận dụng lợi thế này để thu hút đầu tư.

► Bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong, sáng 30-11, UBND TP Cần Thơ tổ chức Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chủ trì chương trình.

Trong không khí thân thiện và cởi mở, ông Lê Quang Mạnh khẳng định, nhà đầu tư Nhật Bản luôn là đối tác TP Cần Thơ quan tâm thu hút. Suốt 5 năm qua, Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại TP Cần Thơ được tổ chức ngày càng quy mô, hoành tráng hơn, thu hút nhiều hơn doanh nghiệp Nhật Bản  tham dự. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản đến TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Lãnh đạo TP Cần Thơ mong rằng, những nỗ lực của thành phố cùng sự tìm hiểu kỹ lưỡng của nhà đầu tư sẽ tạo được những nét mới, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp cũng như dự kiến đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Cần Thơ rất phù hợp với sự phát triển của thành phố. Chính quyền thành phố luôn tạo thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư.

Ông Kondo Noboru, Tổng Giám đốc Tập đoàn Brainworks, đánh giá cao về sự phát triển nhanh chóng của TP Cần Thơ trong thời gian qua và cho rằng, việc hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rất phù hợp cho phát triển của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Trao đổi tại cuộc gặp, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu về tiềm lực phát triển của TP Cần Thơ, những dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ môi trường Việt Xanh (đang có nhà máy tại tỉnh Bình Dương) mong muốn đầu tư thành lập nhà máy chuyên xử lý chất thải công nghiệp, y tế thông thường và nguy hại tại TP Cần Thơ…

+ Cũng trong ngày 30-11, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức buổi gặp gỡ và làm việc với Hội Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam và các địa phương tại Nhật Bản và Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP Cần Thơ. Cuộc gặp nhằm tăng cường, trao đổi thông tin, những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân. Đây cũng là tiền đề để Cần Thơ và các địa phương Nhật Bản triển khai nhiều hoạt động hợp tác phát triển văn hóa, gắn kết hai dân tộc, hai địa phương.

Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 tại TP Cần Thơ, chiều 30-11, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ phối hợp đối tác Nhật Bản tổ chức Diễn đàn phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường lần 3 tại TP Cần Thơ với chủ đề “Tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”.

Nguồn: baocantho.com.vn