Home / Y tế / Trung tâm Cấp cứu 115 vượt qua được giai đoạn “vượt chướng ngại vật”

Trung tâm Cấp cứu 115 vượt qua được giai đoạn “vượt chướng ngại vật”

Tính từ ngày chính thức đi vào hoạt động (tháng 04/2014), TTCC 115 đã trải qua một giai đoạn khởi đầu nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, về nhân lực, về cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện chuyên môn công tác. Tuy giai đoạn “khởi động” gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ viên chức, TTCC 115 đã tiếp tục vượt qua được giai đoạn “vượt chướng ngại vật”.

Xe cấp cứu 2 bánh phát huy tác dụng trên địa bàn thành phố

Năm 2019, TTCC 115 đã để lại những dấu ấn cho chính mình về những điều đã làm được của một đơn vị vốn còn non trẻ, đây cũng chính là tiền đề quan trọng cho tập thể cán bộ viên chức của trung tâm tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để bước vào giai đoạn “tăng tốc” thực hiện những hoạt động trọng tâm trong công tác cấp cứu người dân ở ngoài bệnh viện đã được Sở Y tế triển khai trong năm 2020, để phấn đấu “về đích” vào năm 2025 với một TTCC 115 hiện đại theo chuẩn quốc tế cả về cơ sở hạ tầng và các hoạt động chuyên nghiệp của trung tâm, góp phần đóng góp cho an sinh xã hội của cộng đồng, của người dân TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Dưới đây là những “chướng ngại vật” mà TTCC 115 đã vượt qua trong năm 2019:

1. Lần đầu tiên TTCC 115 tiếp nhận hơn 30.000 lượt gọi cấp cứu, số đợt xuất xe ra hiện trường đạt hơn 20.600 lượt (tăng hơn 300% so với năm 2015):

Đây là kết quả của phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện với 31 trạm vệ tinh phủ khắp các quận huyện tại thành phố. Người dân ở bất cứ đâu cũng có cơ hội tiếp cận nhân viên y tế để xử lý cấp cứu tại chỗ, tránh việc sơ cứu, vận chuyển không đúng cách vào bệnh viện sẽ có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên ghi nhận tổng số lượt xuất xe thực hiện công tác cấp cứu của các trạm vệ tinh cao hơn tại trung tâm, so với quy mô dân số và diện tích của TP. HCM thì con số này chưa phản ánh hết nhu cầu của người dân, tuy nhiên đây cũng là nỗ lực rất lớn của 31 thành viên trong mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Ghi nhận nỗ lực này, cùng với việc sáng tạo ra những phương thức để mạng lưới vận hành hiệu quả, chuyên nghiệp; năm 2019 TTCC 115 đạt giải 3 – giải thưởng sáng tạo Thành phố lần đầu tiên tổ chức.

Việc mở rộng mạng lưới, sáng tạo loại hình xe cứu thương 2 bánh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cấp cứu

2. Trung tâm Cấp cứu 115 được công nhận là cơ sở đào tạo thực hành lâm sàng:

Ngày 25/07/2019, Sở y tế đã công bố TTCC 115 đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Đây chính là cơ sở để lần đầu tiên TTCC 115 chính thức nhận 11 sinh viên chuyên ngành Paramedic Nursing từ trường ĐH YK Phạm Ngọc Thạch đến thực hành. Trong bối cảnh khi chuyên viên cấp cứu ngoại viện (Paramedic) chưa được đào tạo theo hướng chính quy bài bản, chưa có mã ngành nghề phù hợp thì thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước sáng tạo, chủ động trong triển khai. Việc phối hợp giữa trường Đại học Y khoa, Sở y tế và Trung tâm cấp cứu trong công tác đào tạo sinh viên chính quy đáp ứng nhu cầu lực lượng cấp cứu ngoại viện cho thành phố là thực sự cần thiết, mong sao sớm có cơ chế phù hợp cho công việc và chế độ để vừa đáp ứng nhu cầu an sinh xã hộ vừa rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến.

Sinh viên năm 4 trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch cùng y, bác sĩ của TTCC 115 trong 1 tiết thực hành

3. Hình thành bộ phận trực điều phối viên chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều phối cấp cứu ngoại viện:

Trước đây điều dưỡng cấp cứu được phân công luân phiên trực tổng đài 115, việc trực điện thoại như là một nghĩa vụ nhàm chán, đến kỳ lại trực. Công tác tiếp nhận cuộc gọi chủ yếu ghi nhận thông tin hành chánh, tình hình bệnh lý và chuyển cho kíp cấp cứu, hoàn toàn ghi chép thủ công. Năm 2019, TTCC 115 mạnh dạn thành lập Tổ điều phối viên chuyên nghiệp chuyên thực hiện nghiệm vụ trực tổng đài 115, tiếp nhận thông tin, tư vấn hỗ trợ người gọi và điều tiết chuyển cuộc gọi cho trạm vệ tinh phù hợp, cũng như sẵn sàng kết nối với các chuyên gia, các bệnh viện đễ hỗ trợ kịp thời. Tổng đài 115 hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành (như bản đồ lớp, thiết bị hỗ trợ kíp cấp cứu), xây dụng quy trình vận hành công tác điều phối với các chỉ số KPIs phù hợp. Tuy chỉ là bước khởi đầu cho Hệ thống điều hành thông minh nhưng nó cũng mang lại những tác động tích cực cho vai trò cầu nối: giúp người dân yên tâm hơn, giúp kíp cấp cứu yên tâm và chủ động hơn.

Thử nghiệm thành công giải pháp ứng dụng CNTT trong điều phối mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh

4. Chương trình đào tạo liên tục dành riêng cho lực lượng Cấp cứu ngoại viện theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Cấp cứu 115:

Nếu như công tác đào tạo cấp cứu trước viện chính quy đòi hỏi sự kiên trì do cơ chế chưa cho phép thì với sự quyết tâm của Sở Y tế thành phố, sau hơn 2 năm trăn trở tìm tòi thì đến ngày 4/11/2019 lần đầu tiên lực lượng 40 bác sĩ cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu ngoại viện thành phố được tập huấn lớp “Cấp cứu ban đầu ngoài bệnh viện” tại TTCC 115. Chương trình được cho phép chuyển thể từ tài liệu “Basic emergency care approach to the acutely ill and injured” do WHO phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Liên đoàn Cấp cứu quốc tế (Federation for Emergency Medicine – IFEM) biên soạn chuyên đề về Chăm sóc Cấp cứu Cơ bản (Basic Emergency Care – BEC) nhằm cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất giúp cho các nhân viên y tế thực hiện tốt nhất công tác sơ cấp cứu người bệnh trong bất cứ tình huống cấp cứu nào. Lớp huấn luyện này giúp từng bước chuẩn hóa cách tiếp cận vấn đề sức khỏe cho lực lượng cấp cứu ngoại viện, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và môi trường nghề nghiệp đặc thù.

Lớp huấn luyện Cấp cứu ngoại viện thiên về kỹ năng thực hành, tiếp cận tình huống một cách nhanh chóng nhất và không bỏ sót

5. Lần đầu tiên Trung tâm Cấp cứu 115 tự lực và chủ động triển khai kế hoạch và thực hiện thành công công tác hỗ trợ y tế cho giải Marathon quốc tế với sự tham dự của hơn 13.000 vận động viên.

Ngoài công tác chuyên môn, TTCC 115 luôn được Sở Y tế và lãnh đạo Thành phố tin tưởng giao công tác phục vụ nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng, góp phần nâng cao uy tín của lãnh đạo thành phố và sự tin tưởng của người dân. Ngày 8/12/2019 vừa qua đánh dấu 1 kỷ lục của giải Marathon tại TP.HCM với hơn 13.000 vận động viên tham dự, trong đó TTCC 115 là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác y tế cho sự kiện. Trung tâm đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với việc lập kế hoạch, chuẩn bị các phương án tình huống, tham mưu lãnh đạo Sở y tế cho công tác phối hợp, huy động lực lượng nhân sự, hậu cần tích cực và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các kíp, các zone. Kết quả đã hoàn thành ngày hội ý nghĩa của thành phố, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Công tác phục vụ Marathon 2019 của TTCC 115
Nguồn: Trung tâm Cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh