Home / Y tế / Bộ Y tế bảo đảm đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho người dân

Bộ Y tế bảo đảm đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho người dân

Chiều 31-1, Bộ Y tế tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về tình hình phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV). Đại diện Bộ Y tế khẳng định, cung cấp đủ khẩu trang cho nhân dân.

Tham gia buổi gặp gỡ báo chí của Bộ Y tế có các chuyên gia y tế, lãnh đạo một số bệnh viện, trung tâm y tế.

Hiểu đúng về cơ chế lây nhiễm để có cách phòng ngừa đúng

Trao đổi về việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 5 ca nhiễm bệnh. Đó là trường hợp hai bố con người Trung Quốc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh; 3 trường hợp người Việt Nam bị nhiễm từ Vũ Hán (Trung Quốc). Đây đều là những trường hợp nhiễm bệnh do xâm nhập, đến nay Việt Nam chưa có trường hợp nào lây lan từ công đồng.

“Đây là thông tin rất quan trọng, để người dân có cách hiểu đúng về việc lây nhiễm, cũng như có cách phòng ngừa đúng”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết.

Để sử dụng khẩu trang phòng, chống bệnh đúng cách, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, do thông tin bị nhiễu loạn dẫn đến việc người dân hoang mang, lo lắng, kéo theo việc sử dụng các trang thiết bị phòng hộ chưa chuẩn.

“Tuỳ từng mức độ lây lan của bệnh, chúng ta có những mức độ sử dụng các trang thiết bị phòng ngừa thích hợp. Bộ Y tế khuyến cáo, tại thời điểm hiện tại, chỉ trường hợp trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hoặc đi vào vùng dịch thì mới nên sử dụng khẩu trang N95 và các thiết bị phòng hộ. Hiện tại, người dân có thể sử dụng dùng khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải. Khi sử dụng khẩu trang vải, người dân có thể giặt sau mỗi lần dùng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nói.

WHO đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam

Giải thích rõ hơn về việc nên hiểu thế nào về tình trạng nguy hiểm của bệnh do vi rút nCoV mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, bà Satoko Otsu, chuyên gia của tổ chức này tại Việt Nam cho biết: Ý nghĩa của việc ban bố này là WHO mong muốn sự hỗ trợ, chung tay của các quốc gia trên thế giới trong việc cùng đồng hành phòng chống dịch bệnh.

“WHO đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và ngành Y tế Việt Nam trong việc giám sát, chẩn đoán ca bệnh trong thời điểm hiện tại. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc phòng chống bệnh”, bà Satoko Otsu nói.

Người dân gọi điện đến “Đường dây nóng” sẽ không mất phí

Về việc những dấu hiệu nào thì cần xét nghiệm vi rút nCoV, một đại diện khác Bộ Y tế cho biết, hiện nay, chưa có công nghệ xét nghiệm vi rút này tại nhà. Những trường hợp nghi nhiễm bệnh đều cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm.

“Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải xét nghiệm. Chỉ những trường hợp có biểu hiện: sốt, viêm đường hô hấp, có tiếp xúc với người bị bệnh, có qua vùng dịch… mới có thể coi là nghi nghiễm bệnh và cần xét nghiệm”, vị đại diện này cho biết.

Bộ Y tế khuyến cáo, để tránh việc lây lan vi rút, người dân nên tự ý thức phòng bệnh cho mình như: giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi đông người; rửa tay sạch sẽ; khi hắt hơi, ho, phải che miệng để không ảnh hưởng người khác… Nếu không có việc cần thiết, người dân không nên đến những nơi tụ tập đông người.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới Trung ương Nguyễn Vũ Trung, Bộ Y tế đã cung cấp số điện thoại “đường dây nóng”: 19003228 để tiếp nhận thắc mắc của người dân. Hiện nay, đội ngũ tham gia trả lời “đường dây nóng” là những y, bác sĩ hàng đầu, có thể giải đáp các thắc mắc liên quan đến bệnh do vi rút nCoV. Tuy nhiên, thời gian qua, do có quá nhiều người gọi đến nên có lúc đường dây này quá tải.

Theo ông Nguyễn Vũ Trung, từ 0h ngày 1-2-2020, người dân gọi điện đến số điện thoại “Đường dây nóng” sẽ không mất phí.

Bộ Y tế bảo đảm đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho người dân

Liên quan đến việc nguồn cung khẩu trang liệu có bảo đảm cho nhu cầu của người dân, những công ty “găm hàng” khiến khẩu trang y tế bị đẩy giá cao liệu có bị xử lý, Thạc sĩ Nguyễn Đình Hiếu, đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho rằng, hiện nay có gần 40 đơn vị trong nước sản xuất khẩu trang. Đồng thời, ông khẳng định, năng lực sản xuất của các đơn vị đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị chưa có công nhân đi làm, công ty chưa đi vào sản xuất dẫn đến việc khan hiếm. Bộ không phủ nhận, vừa qua có hiện tượng “găm hàng”, khiến giá khẩu trang tăng đột biến.

Bộ Y tế đã yêu cầu thời gian tới, các đơn vị tập trung vào sản xuất cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, bình ổn giá mặt hàng này.

Nguồn: hanoimoi.com.vn