Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản góp ý 2 phương án di dời ga Nha Trang. Quan điểm của sở là ủng hộ việc di dời, tuy nhiên cần có lộ trình và được điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.
Đề xuất 2 phương án dời ga
Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Hà Nội) đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang.
Cụ thể, phương án 1 cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hàng hóa có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe; xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang, diện tích khoảng hơn 36.400m2, được bố trí như sau: chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Phương án 2, cải tại ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại, cải tuyến đường sắt chính tuyến từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm TP. Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe. Sau khi di dời ga, quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.200m2, sẽ bố trí như sau: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, theo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, trong đó có cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang để bỏ đường vòng, ga Nha Trang thành ga cụt, xây dựng ga hàng hóa Vĩnh Trung. Phương án 1 đề xuất phù hợp với quy hoạch này. Bên cạnh đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, xây dựng ga hàng hóa ngoài trung tâm thành phố. Do đó, việc đề xuất như phương án 1 là phù hợp với quy hoạch chung thành phố. Đối với phương án quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích hơn 36.400m2, sau khi cải tạo ga Nha Trang, chưa được thể hiện trong quy hoạch chung của thành phố. Vì vậy, việc thực hiện phương án này phải được điều chỉnh quy hoạch bổ sung và phải được cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mới triển khai được dự án.
Về phương án 2, theo Sở GTVT là chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt. Trong khi đó, theo điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Nha Trang cũng chưa được định hướng dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Như vậy, việc đề xuất như phương án 2 của doanh nghiệp là chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung, nhưng cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch chung của thành phố.
Hiện trạng đường sắt khu vực ga Nha Trang.
Ủng hộ định hướng di dời ga
Với sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lượng khách đến Nha Trang ngày càng tăng cao. Từ đây kéo theo sự phát triển đột biến của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe chở khách trên 30 chỗ ngồi. Về hạ tầng du lịch, các dự án khách sạn, căn hộ du lịch, chung cư cao tầng được xây dựng nhiều chủ yếu trong trung tâm thành phố, hình thành đô thị nén gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Trong khi đó, hạ tầng của thành phố chưa được xây dựng đồng bộ hoặc không thể mở rộng, gây nên tình trạng quá tải. Từ những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm hàng ngày.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cho biết thêm, hàng ngày ga Nha Trang tiếp nhận khoảng 48 đoàn tàu ra vào ga, vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều có 8 đến 10 đoàn tàu ra vào ga, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông tại nút giao Mả Vòng và đường Lê Hồng Phong.
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho biết, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, sở thống nhất đề xuất định hướng di dời ga Nha Trang (phương án 2) và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án 2 cần phải bổ sung vào quy hoạch GTVT tỉnh, được tích hợp trong quy hoạch tỉnh hiện nay đang triển khai; thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố đến năm 2025 và phải cụ thể hóa theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 mới triển khai được dự án. Đồng thời, phải xây dựng lộ trình di dời cụ thể, lưu ý việc di dời chỉ được thực hiện khi đường sắt tốc độ cao được xây dựng và đi vào khai thác. Dự án đề xuất thực hiện đầu tư theo hình thức BT, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ về quỹ đất ga Nha Trang (tài sản do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý) là tài sản công cần phải thực hiện theo quy định hiện hành và các quy định về đầu tư theo hình thức BT để bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Đại diện Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh: Theo hồ sơ thiết kế của doanh nghiệp lập, nếu di dời ga Nha Trang đến vị trí mới sẽ rút ngắn được 5km đường sắt đi qua khu vực đông dân cư giao thông đông đúc; bỏ được 4 đường ngang và 8 lối đi tự mở qua đường sắt; rút ngắn thời gian chạy tàu. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đề xuất cũng có hạn chế nhất định. Đó là phương án đi qua Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến nút giao thông Ngọc Hội hiện đang xây dựng và phải xây dựng một cầu đường sắt qua sông Quán Trường.