Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Nuôi trồng thủy sản năm 2020: Ưu tiên mở rộng mô hình thâm canh

Nuôi trồng thủy sản năm 2020: Ưu tiên mở rộng mô hình thâm canh

Năm 2020, ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng đề ra mục tiêu giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt 2.484 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2019. Để đạt được mục tiêu trên, ngành tập trung mở rộng diện tích nuôi thâm canh gắn với làm tốt công tác phòng dịch bệnh trong vụ nuôi mới.

Mô hình nuôi tôm tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.

Nuôi thâm canh đạt giá trị cao

Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học được mở rộng đạt 2.670 ha, tăng 1,4% so với năm 2018; tỷ lệ nuôi bán thâm canh là 2.240 ha, tăng 1,06% so với năm 2018. Toàn thành phố hình thành 31 vùng NTTS tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Hải An, Dương Kinh, Cát Bà, Đồ Sơn với diện tích 634 ha, đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, cá trắm đen… vào nuôi thả. Với việc phát triển các vùng nuôi tập trung mới, các địa phương trong thành phố cũng duy trì ổn định 13.197 ha, tăng 1,51% so với năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Khỏe, hộ nuôi tôm ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh cho biết, năm 2019, gia đình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức nuôi tôm truyền thống. Nhờ vậy, tỷ lệ tôm sống đạt cao, giảm cho phí về thức ăn, chế phẩm sinh học, cho hiệu quả, giá trị kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh.

Theo Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng Nguyễn Văn Đức, năm 2019, nhờ ứng dụng công nghệ cao nên các vật nuôi chủ lực của HTX là cá vược, cá trắm đen lớn nhanh, không bị dịch bệnh, cho năng suất cao. Đơn vị vừa cung ứng hơn 1.000 tấn cá ra thị trường vào dịp Tết Canh Tý.

Cùng với sự gia tăng về diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao, toàn thành phố cũng duy trì ổn định 440 bè nuôi thủy sản nước mặn và nhiều diện tích nuôi nhuyễn thể như ngao, sò…ở vùng bãi bồi ven biển (1.560 ha). Trong năm, một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mới được Trung tâm Khuyến nông quốc gia và thành phố chuyển giao tới nhiều hộ, cũng góp phần tăng giá trị và sản lượng nuôi trồng. Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Văn Đam thông tin, thành phố được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ triển khai thực hiện 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn tới 7 hộ nuôi tại quận Dương Kinh và huyện Tiên Lãng cho kết quả khả quan. Tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng ổn định, hiệu quả kinh tế gấp 1,5-2 lần mô hình nuôi tôm truyền thống.

Với các loại hình nuôi đa dạng và phong phú, cùng với ứng dụng nhiều mô hình nuôi thâm canh mới vào sản xuất góp phần tăng giá trị sản lượng và giá trị sản xuất. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố, năm 2019, tổng sản lượng NTTS đạt hơn 68.000 tấn, tăng 1,42% so với năm 2018 và đạt giá trị sản xuất 2.488 tỷ đồng, tăng 5,95% so với năm 2018.

Lưu ý phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi

Mặc dù sản lượng và giá trị sản xuất NTTS năm 2019 tăng nhưng trên thực tế chưa bền vững và còn nhiều vấn đề đặt ra cần lưu ý cho vụ nuôi mới. Trong đó, đáng chú ý, một số loại bệnh ở tôm, cá xuất hiện; cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn nhiều bất cập, đặc biệt là kênh mương hệ thống thủy lợi, cống đập điều tiết cung ứng nguồn nước tới các vùng nuôi còn gặp nhiều khó khăn, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu nuôi công nghệ cao. Việc hỗ trợ nhà bạt, máy sục nước, trang thiết bị cho các hộ nuôi theo Nghị quyết 12 của HĐND thành phố còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi vẫn diễn ra, nhất là những khu vực nuôi ở gần các dự án, khu dân cư. Mặt khác, trong năm 2019, một số hộ nuôi nhập nguồn giống tôm, cá trôi nổi về nuôi thả nên hiệu quả nuôi đạt thấp, thường xảy ra dịch bệnh…Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất bị thay đổi, nhiều vùng nuôi tập trung có hiệu quả đã chuyển thành khu đô thị, du lịch, công nghiệp, cảng biển nên phần nào ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Hiện đang là thời điểm chuẩn bị cho vụ nuôi mới, người dân các địa phương đang tập trung chỉnh trang, tôn tạo bờ vùng, bờ thửa, phơi đầm, chuẩn bị vật tư, nguồn giống đưa vào nuôi thả. Bên cạnh tuyên truyền người dân đưa những vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi thả, ngành Nông nghiệp- Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con cần chủ động chọn lựa, mua nguồn giống ở những cơ sở sản xuất uy tín, bảo đảm chất lượng. Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn 35 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn thành phố chủ động nguồn giống cung ứng cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn điều kiện các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; tập trung triển khai kế hoạch giám sát môi trường vùng nuôi các đối tượng chủ lực và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Vũ Bá Công cho biết, năm 2020, ngành phấn đấu tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 15.330 tỷ đồng, tăng 1,93% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng NTTS đạt hơn 70.000 tấn, tăng 5,55% so với năm 2019. Để đạt được kết quả trên, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung khắc phục những bất cập đặt ra trong phát triển NTTS hiện nay. Đồng thời tích cực tuyên truyền tới người dân đẩy mạnh đưa các mô hình NTTS mới, công nghệ cao vào sản xuất.

Nguồn: baohaiphong.com.vn