Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Chuyện ở vùng rau gia vị Tân Minh

Chuyện ở vùng rau gia vị Tân Minh

Rời xa phố thị ồn ào náo nhiệt, men theo sông Nhuệ, chúng tôi tới xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Nơi đây không chỉ có những vườn húng quế, mùi, răm, tía tô xanh mướt mà còn có nhiều câu chuyện về những người nông dân tần tảo. Nghề trồng rau truyền thống đã mang lại đời sống khấm khá và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây…

Người dân xã Tân Minh (huyện Thường Tín) chăm sóc những luống rau gia vị.

Từ nghề truyền thống…

Chúng tôi đến Tân Minh vào một ngày tháng 3 khi những tia nắng ấm áp cuối xuân đổ dài trên những mảng màu mướt mát của húng Láng, rau ngổ, diếp cá, rau răm, lá lốt… Dẫn chúng tôi tham quan một số vườn rau trên địa bàn xã đang chờ ngày thu hoạch, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: Nghề trồng rau gia vị ở đây có từ hơn trăm năm trước, chính xác thời điểm nào thì các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ, chỉ biết rằng trước đây người dân chủ yếu trồng húng quế và bạc hà để lấy tinh dầu bán cho một số doanh nghiệp…

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, đời sống người dân khấm khá, nhu cầu tiêu thụ rau gia vị ngày một nhiều hơn thì diện tích trồng rau cũng được mở rộng. “Năm 2008, khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, với những diện tích trồng lúa không hiệu quả, người dân chuyển sang trồng rau. Cơ hội làm giàu mở ra, nghề trồng rau gia vị phát triển ở 5 thôn: La Uyên, Thọ Giáo, Phúc Trại, Phú Lương, Triều Đông với diện tích lên đến 145ha. Các loại rau gia vị cũng ngày càng đa dạng hơn như: Tía tô, kinh giới, rau húng, rau ngổ, ngò gai, rau răm, diếp cá, lá lốt…” – ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm…

Để tạo ra những sản phẩm rau gia vị “đúng chất” đáp ứng nhu cầu của thị trường là cả một câu chuyện. Ông Nguyễn Mạnh Thắng kể tiếp: Không chỉ có nhiều kinh nghiệm trồng rau mà người dân nơi đây còn có ý thức rất cao trong sản xuất an toàn. Bà con chủ yếu phun các loại thuốc sinh học có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hợp tác xã cũng hướng dẫn các thành viên ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng, cách chăm sóc và thu hoạch để khi đưa ra thị trường bảo đảm chất lượng. Các giống rau được trồng ở đây chủ yếu từ giống gốc của địa phương cùng một vài giống rau có gen tốt, năng suất cao được bà con đưa từ nơi khác về. Đặc biệt, năm 2010, Tân Minh là một trong số rất ít vùng rau được các nhà khoa học trồng thử nghiệm giống rau húng Láng gốc của Hà Nội. Kết quả cho thấy rau húng Láng trồng ở Tân Minh có hương, vị giống rau húng của làng Láng ngày xưa…

Cẩn thận thu hái từng ngọn rau tía tô, bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Thọ Giáo vui chuyện: Rau gia vị chủ yếu dùng để ăn sống nên phải bảo đảm cả chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, chúng tôi chỉ sử dụng các loại phân bón sinh học và tưới bằng nguồn nước sạch. Nhà tôi có 3 sào rau, đủ loại húng quế, rau mùi, tía tô… hằng ngày, tôi thường mất 3-4 tiếng ở ngoài đồng nhổ cỏ, bắt sâu, thu hái. “Bất cứ ai đã ăn rau gia vị ở Tân Minh đều có thể cảm nhận được hương vị khác biệt so với rau cùng loại trồng ở địa phương khác. Rau gia vị ở đây tuy nhỏ mà đượm vị. Đặt cọng rau vào miệng có vị the the nơi đầu lưỡi, đặc trưng của các loại rau quả nhiều tinh dầu và cả vị ngọt thanh, thơm mát đọng lại”…

… đến chuyện làm giàu

Rau gia vị ở Tân Minh đậm hương không chỉ bởi Tân Minh được thiên nhiên ưu ái bồi đắp phù sa màu mỡ, chất đất phù hợp với loại rau này mà còn vì người dân nơi đây chịu thương, chịu khó và ý thức rất rõ về nghề. Họ tự tin làm giàu từ rau gia vị và có rất nhiều câu chuyện quanh những luống rau thơm. “Nghề trồng rau gia vị tuy vất vả nhưng giúp gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở xã này có nguồn thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống. Một mẫu rau gia vị, mỗi ngày có thể mang về cả triệu đồng cho gia đình. Mỗi nghề có một lợi thế riêng, với rau thơm, vào lúc chính vụ khi các loại rau ăn lá (su hào, bắp cải…) có thể giảm giá thì rau gia vị vẫn giữ được giá ổn định. Và nữa, một gắp nhỏ rau húng Láng có giá 4.000-5.000 đồng thì 1kg bắp cải cũng chỉ 10.000 đồng” – ông Phạm Văn Anh ở thôn Thọ Giáo so sánh…

Chung niềm vui từ nghề trồng rau gia vị, ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn La Uyên tâm sự: Hơn 7 sào rau gia vị thực sự mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình tôi. Trước đây, gia đình tôi vào diện khó khăn của xã, nhưng nhờ việc tảo tần với những luống rau, rồi chẳng quản nắng, mưa mang ra chợ đầu mối tiêu thụ…, tôi đã nuôi được hai con học hành, lại xây được cửa nhà khang trang…

Không chỉ các hộ trồng rau đổi đời, cùng với sự nhạy bén bắt nhịp nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân trong xã đã năng động thu gom rau trong vùng, mang bán tại chợ đầu mối. Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tân Minh Nguyễn Công Bằng cho biết, toàn xã hiện có hơn 30 ô tô bán tải cùng vài trăm xe máy tham gia thu mua rau. Trung bình mỗi ngày, xã Tân Minh tiêu thụ 60-80 tấn rau các loại. Cứ vào cuối chiều, cả xã như một nông trường, người dân hối hả hái rau và vận chuyển lên xe để chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai kịp cung cấp cho khắp các chợ tại thị trường Hà Nội. Với nghề trồng rau gia vị, thu nhập bình quân ở Tân Minh đạt hơn 43 triệu đồng/ người/năm và còn góp phần xây dựng xã ngày càng giàu đẹp.

Niềm vui của người dân nơi đây đã có nhưng vẫn chưa trọn bởi nỗi trăn trở vùng rau Tân Minh đến nay vẫn chưa có thương hiệu chính thức. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng, chính quyền địa phương luôn nỗ lực cùng nông dân thực hiện các bước xây dựng thương hiệu cho vùng rau này như đầu tư hệ thống giếng khoan tự động, tập huấn kiến thức trồng rau an toàn… Những việc này nhắm đến mục tiêu đưa rau gia vị Tân Minh tới nhiều nơi hơn như siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích. Khi đã có thương hiệu, rau Tân Minh chắc chắn sẽ được giá hơn…

Rời xã Tân Minh và lắng lại trong lòng câu chuyện của người trồng rau, chúng tôi phần nào hiểu vì sao người dân Tân Minh yêu cây rau đến thế. Chắc chắn những mùa sau, chúng tôi sẽ trở lại nơi này để chia vui với người trồng rau khi rau gia vị Tân Minh đã có thương hiệu, có giá bán xứng đáng với tâm huyết và công sức của bà con nơi đây…

Dung – Bắc – hanoimoi.com.vn