Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Ứng dụng công nghệ vào khai thác cá ngừ đại dương

Ứng dụng công nghệ vào khai thác cá ngừ đại dương

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài “Công nghệ khai thác cá ngừ đại dương (công nghệ câu và bảo quản cá ngừ)”. Kết quả đề tài là cơ sở để người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào khai thác, xử lý và bảo quản cá ngừ phù hợp với tàu câu cá địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Chất lượng cá ngừ giảm 
Khánh Hòa hiện có khoảng 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, sản lượng hơn 4.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, do hạn chế về chất lượng, giá trị và thị trường đã khiến cá ngừ đại dương những năm gần đây không còn thịnh vượng như trước. Nguyên nhân chính là do hiện nay, nghề câu cá ngừ thường thực hiện theo phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng, tuy cho sản lượng cao, chi phí lao động, vật tư khai thác thấp hơn so với nghề câu vàng truyền thống nhưng thời gian kể từ thời điểm cá cắn câu đến lúc thu cá lên tàu ngắn, trung bình chỉ khoảng 10 phút (câu vàng từ 30 phút đến 3 giờ), khi cá được kéo lên còn rất khỏe và giãy giụa nhiều, dẫn đến bị phá hủy cơ thịt làm giảm chất lượng cá.
Cá ngừ đại dương tại Cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: L.G
Theo các doanh nghiệp thu mua, cá ngừ được đánh giá cảm quan chất lượng phân ra 4 loại gồm: A, B, C, D; trong đó sản phẩm xếp loại D có mức giá chỉ khoảng 50% so với các nhóm còn lại. Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát chất lượng cá ngừ đại dương ở 10 cơ sở thu mua tại Cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang. Kết quả cho thấy, không có cá ngừ nào đạt loại A; nhóm B chỉ chiếm 24,9% về cá thể và 25,1% về khối lượng; nhóm C chiếm tỷ lệ cao nhất với 54% cá thể và 53,3% khối lượng. Điều đó cho thấy, chất lượng cá ngừ kém, khiến cá bán ra giá không cao, chỉ dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Theo nhiều ngư dân tại Cảng cá Hòn Rớ, chất lượng cá ngừ những năm gần đây giảm là do lối ra khơi đánh bắt theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng quy trình công nghệ, thiết bị mới vào khai thác, sơ chế, bảo quản.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Để nâng cao giá trị cá ngừ đại dương, năm 2017, UBND tỉnh đặt hàng cho Trường Đại học Nha Trang thực hiện đề tài “Công nghệ khai thác cá ngừ đại dương (công nghệ câu và bảo quản cá ngừ)”. Sau hơn 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình, thiết bị khai thác, xử lý và bảo quản sản phẩm phù hợp hơn với tàu câu cá ngừ đại dương tại địa phương.
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thử nghiệm trên tàu của ông Nguyễn Văn Thành (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang), hoạt động khai thác cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay kết hợp ánh sáng tại vùng biển khơi và một tàu đối chứng tương đồng với tàu thử nghiệm nhưng với cách khai thác, bảo quản sản phẩm truyền thống ở địa phương. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã tổ chức được 3 chuyến biển, mỗi chuyến 15 ngày khai thác. Tổng sản lượng cá ngừ đại dương tàu thử nghiệm đánh bắt được là 7.478kg, cao hơn 1,13 lần so với tàu đối chứng; số lượng cá bị mất do đứt dây câu trong quá trình thu dây 7 con, trong khi tàu đối chứng mất 21 con. Theo đánh giá cảm quan của những người có kinh nghiệm tại Cảng cá Hòn Rớ, cá ngừ được chấm điểm xếp loại theo 3 mức: tốt, khá và trung bình. Theo đó, tàu thử nghiệm cá loại tốt chiếm 11,4% sản lượng, tàu đối chứng 2,7% sản lượng; loại khá chiếm tỷ lệ cao nhất tương ứng 84,7% và 77,8%, còn lại trung bình. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Qua việc khai thác thực tế cho thấy, về sản lượng hay chất lượng, tàu thí nghiệm áp dụng quy trình, công nghệ khai thác, xử lý và bảo quản mà đề tài xây dựng cho kết quả cao hơn. Tổng chi phí đầu tư trang thiết bị khai thác và bảo quản ban đầu theo quy trình khoảng 200 – 300 triệu đồng/tàu”.
Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp các cơ quan quản lý đề ra những chính sách phát triển nghề cá một cách hợp lý. Đồng thời là cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm hiệu quả vào nghề cá của địa phương, giúp tăng năng suất khai thác, cải thiện chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả đánh bắt của ngư dân.
Khánh Hà – baokhanhhoa.vn