Tỉnh ta có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các dãy núi đá vôi phân bố tại nhiều địa phương thuận lợi để khai thác làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngành khai thác đá vôi đang gặp nhiều khó khăn do đa số các mỏ đá đều nằm trong ranh giới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
DOANH NGHIỆP KHAI THÁC ĐÁ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
Là địa phương có nhiều mỏ đá, nhưng huyện Hòa An đang đứng trước nguy cơ không còn mỏ đá nào hoạt động trong thời gian tới. Toàn huyện hiện có 5 mỏ đá với tổng trữ lượng khai thác hơn 60.000 m3/năm. Tuy nhiên, 1 mỏ đang tạm dừng hoạt động do xảy ra mất an toàn lao động; 1 mỏ vừa hết hạn khai thác; 2 mỏ hết hạn cấp phép vào năm 2021. Đa số các mỏ đá trên địa bàn huyện đều nằm trong ranh giới CVĐC, gần quốc lộ nên nằm trong danh sách không được gia hạn khai thác.
Mỏ đá Tàng Cải, xã Nam Tuấn do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Phát đầu tư năm 2013 với tổng diện tích 1,2 ha, trữ lượng khai thác hơn 10.000 m3/năm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Phát Lưu Xuân Bình cho biết: Công ty đầu tư gần 20 tỷ đồng vào mỏ đá Tàng Cải, đã nộp thêm gần 1,3 tỷ đồng cấp quyền khai thác khoảng sản cho 450.000 m3 đá, dự kiến khai thác trong 30 năm. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cấp phép lần đầu 7 năm, đến ngày 5/2/2020 hết hạn. Công ty đã xin cấp phép khai thác tiếp nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời là không được gia hạn do mỏ nằm trong ranh giới CVĐC và gần quốc lộ. Đơn vị đang làm thủ tục đóng cửa mỏ.
Huyện Hạ Lang cũng có nhiều mỏ nằm trong ranh giới CVĐC và không được gia hạn khai thác trong thời gian tới. Là mỏ đá lớn nhất trên địa bàn huyện, mỏ đá của Hợp tác xã Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng xóm Bó Mu, xã Quang Long có diện tích 1 ha, trữ lượng khai thác 15.000 m3/năm. Năm 2017, đơn vị vay gần 7 tỷ đồng làm nhà xưởng, mua máy sản xuất gạch bê tông tiêu chuẩn chất lượng cao của Trung Quốc với công suất 15 triệu viên/năm. Đơn vị tạo việc làm cho khoảng 20 lao động hợp đồng dài hạn và thời vụ.
Ông Nông Văn Eng, Giám đốc Hợp tác xã Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng chia sẻ: Khó khăn của đơn vị hiện nay là mỏ đá nằm trong khu vực CVĐC nên đến năm 2021 sẽ dừng hoạt động và di dời đến địa điểm khác. Hợp tác xã vừa đầu tư rất nhiều máy móc công suất lớn, việc di chuyển khá vất vả. Đặc biệt là vấn đề mặt bằng để khai thác mỏ mới đang gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận giá đất với người dân. Thời gian tới, mong tỉnh, các cấp, ngành có nhiều cơ chế hỗ trợ để tìm địa điểm khai thác mới cho mỏ đá của đơn vị.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP LÂU DÀI
Với việc nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, không được cấp phép gia hạn khai thác vì nằm trong ranh giới CVĐC toàn cầu, thời gian tới, nhiều địa phương sẽ đối mặt với việc thiếu đá xây dựng. Do đó, các sở, ngành liên quan cần có giải pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo nhu cầu sử dụng đá làm vật liệu xây dựng tại nhiều địa phương.
Từ Thành phố theo tuyến đường Hồ Chí Minh đến xã Sóc Hà (Hà Quảng) dài khoảng 60 km. Trước đây, khu vực này có 3 mỏ đá: Tàng Cải, xã Nam Tuấn và Phja Viềng, xã Dân Chủ (Hòa An), Nà Tọ, xã Sóc Hà (Hà Quảng) hoạt động, phục vụ nhu cầu đá xây dựng của các huyện Hà Quảng, Hòa An, Thông Nông. Tuy nhiên hiện nay, tuyến đường này chỉ còn mỏ đá Nà Tọ do Hợp tác xã Cường Thành đầu tư còn hoạt động với công suất 5.000 m3/năm. Dù không nằm trong ranh giới tuyến CVĐC toàn cầu nhưng mỏ nằm cạnh tuyến đường liên xã, người dân địa phương nhiều lần kiến nghị di dời nên đến tháng 9/2020 sẽ hết hạn khai thác và không được gia hạn mới.
Mỏ đá Tàng Cải, xã Nam Tuấn (Hòa An) là mỏ đầu tiên trong tỉnh không được gia hạn khai thác do nằm trong ranh giới Công viên địa chất toàn cầu.
Không chỉ khu vực 2 huyện Hà Quảng, Hòa An, thời gian tới, các huyện Hạ Lang, Bảo Lâm cũng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu đá xây dựng. Huyện Hạ Lang có 4 mỏ đá đang hoạt động với tổng trữ lượng khai thác khoảng 45.000 m3/năm. Tuy nhiên có 3 mỏ nằm trong ranh giới CVĐC toàn cầu phải di dời, trong đó có 2 mỏ sẽ hết hạn trong năm 2021. Huyện Bảo Lâm có 1 mỏ đá hoạt động cũng sắp phải đóng cửa do ảnh hưởng đến người dân.
Trưởng Phòng Đo đạc và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Tiếp cho biết: Theo kết quả rà soát tổng thể, các mỏ khai thác khoáng sản nằm trong vùng CVĐC, toàn tỉnh có 34 mỏ khoáng sản (5 mỏ khoáng sản và 29 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) nằm trong hoặc có một phần diện tích trong vùng CVĐC. Trong đó có 24 mỏ đá cần áp dụng các biện pháp xử lý nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Theo đó có 8 mỏ giữ nguyên quy mô, sớm kết thúc khai thác, không gia hạn giấy phép; 5 mỏ được tăng công suất khai thác hết phần trữ lượng đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, không gia hạn giấy phép; 11 mỏ cần áp dụng các biện pháp xử lý cảnh quan để khai thác lâu dài. Những mỏ hết hạn khai thác phải làm đề án đóng cửa mỏ, đo đạc toàn bộ hiện trạng, đưa mỏ về hiện trạng an toàn. Đơn vị nào có nhu cầu tiếp tục hoạt động khai thác đá sẽ thăm dò, tìm địa điểm mới và hoàn thành các thủ tục cấp phép, đấu giá theo quy định.
Để các mỏ đá hoạt động bền vững mà không ảnh hưởng, phá vỡ cảnh quan của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các ngành, địa phương cần sớm quy hoạch tổng thể những vùng, khu vực có thể hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng để đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vốn, máy móc hiện đại khai thác lâu dài, an toàn, đáp ứng nhu cầu đá xây dựng của các địa phương.