Home / Giáo dục / Học sinh vùng cao khó tiếp cận với học online

Học sinh vùng cao khó tiếp cận với học online

So với học sinh ở vùng thấp, nơi có điều kiện thuận lợi, thì phương pháp học tập trực tuyến trong mùa dịch dường như chưa hiệu quả và chưa đến được với học sinh nhiều thôn, bản vùng cao Lào Cai.

Nhiều học sinh thiếu phương tiện học online

Rời thành phố Lào Cai, chúng tôi có mặt tại Trường THCS và THPT Bát Xát. Năm học 2019 – 2020, Trường THCS và THPT Bát Xát có trên 500 học sinh, trong đó có 34 học sinh lớp 9 và 96 học sinh lớp 12. Trong những ngày này, học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 nên trường học khá vắng vẻ.

Theo chân thầy giáo Hưng, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường, chúng tôi đến thăm nhà một số học sinh để tìm hiểu việc học online, học qua truyền hình của các em. Trong ngôi nhà gỗ nhỏ ở thôn Coóc Ngó, xã Mường Hum, em Chúng Thị Xuân Quỳnh, học sinh lớp 9A đang giúp bố mẹ những việc nhỏ trong gia đình. Mặc dù vào khung thời gian đó trên Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai đang tiếp sóng chương trình học qua truyền hình dành cho học sinh lớp 9, nhưng Quỳnh vẫn chưa tiếp cận được với cách học mới này.

Nhà không có ti vi, em Chúng Thị Xuân Quỳnh, học sinh lớp 9, xã Mường Hum mượn điện thoại của bố mẹ để học bài qua internet.

Em Quỳnh cho biết: do ti vi nhà em đã hỏng hai năm qua, bố mẹ em chưa có điều kiện mua ti vi mới, nên em không có ti vi để xem. Trong những ngày gần đây, cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho em hướng dẫn cách học online, nên em mượn điện thoại của bố để xem những video dạy học trên mạng. Tuy nhiên, vì không được học trực tiếp, nên một số nội dung em vẫn chưa hiểu kỹ. Em mong nhanh hết dịch bệnh để đến trường học tập.

Em Tẩn Láo Tả, học sinh lớp 12A2, nhà ở thôn Tả Pờ Hồ, xã Mường Hum cho biết: Nhà em có ti vi nhưng gia đình bận nhiều công việc, nên cũng rất ít khi mở xem. Mấy hôm nay, em nghe thầy cô giáo thông tin học qua truyền hình, nhưng nhà em sử dụng chiếc đầu chảo cũ không thể bắt được sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai. Hiện, đang vào mùa làm nương, em cũng như nhiều bạn ở trong thôn tranh thủ những ngày nghỉ học phòng dịch bệnh để giúp bố mẹ đi làm nương, do khung giờ giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, nên chúng em không có thời gian học qua truyền hình.

Thầy giáo Vũ Xuân Quế, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Bát Xát cho biết: Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc triển khai học trực tuyến qua mạng internet và học qua truyền hình là giải pháp tốt với nhiều trường học. Tuy nhiên, do đặc thù của trường là hầu hết học sinh đến từ nhiều xã vùng cao khó khăn của huyện Bát Xát, nên để triển khai học bài online và học qua truyền hình đang là bài toán khó. Nhiều gia đình học sinh rất khó khăn không có ti vi hoặc một số học sinh chỉ dùng điện thoại thường không kết nối internet nên khó tiếp cận với phương pháp học mới này. Đối với một số học sinh cũng rất khó khăn trong việc liên lạc với gia đình và bản thân các em trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

Khó khăn ở những thôn không có điện

So với Trường THCS và THPT Bát Xát ở xã Mường Hum, thì Trường PTDTBT THCS Sàng Ma Sáo (Bát Xát) còn khó khăn hơn nhiều trong việc triển khai cho học sinh học bài online và học bài qua truyền hình. Năm học 2019 – 2020, Trường PTDTBT THCS Sàng Ma Sáo có 483 học sinh, trong đó có 137 học sinh lớp 9. Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, cùng với học sinh toàn tỉnh, học sinh ở đây đã nghỉ học khoảng 2 tháng.

Thầy giáo Phương Việt Cường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sàng Ma Sáo cho biết: Hiện nay, xã Sàng Ma Sáo có 9 thôn thì chỉ có 3 thôn ở trung tâm xã là Mà Mù Sử 1, Mà Mù Sử 2, Làng Mới là có điện lưới quốc gia, còn 6 thôn khác chưa có. Ở những thôn này, người dân sử dụng điện từ máy phát điện mini chạy bằng sức nước, nên điện không ổn định. Đặc biệt, mùa khô các dòng suối ít nước, máy phát điện không hoạt động được. Không có điện, nhiều hộ dân không sử dụng được ti vi và các thiết bị điện khác. Vấn đề đặt ra ở Sàng Ma Sáo là học sinh ở những thôn chưa có điện lưới quốc gia khó tiếp cận được với phương pháp học online hay học qua truyền hình.

Tháng 3 vào mùa làm nương, học sinh vùng cao thường giúp gia đình lao động ban ngày nên khó có thể học qua truyền hình.

Đối với Trường PTDTBT THCS Suối Thầu (Sa Pa), việc dạy học trực tuyến trong mùa dịch cũng không thực hiện được như mong muốn. Theo thầy giáo Trần Quyết Tiến, Hiệu trưởng nhà trường, trên địa bàn vẫn còn khoảng 15 hộ dân ở thôn Suối Thầu Mông B, Bản Pho B chưa có điện lưới quốc gia. Do đặc thù vùng cao, nên nhiều hộ dân không có ti vi hoặc ít xem truyền hình, có khu vực không bắt được sóng truyền hình và mạng internet.

Mặt khác, chỉ có khoảng 20% học sinh của trường có điện thoại thông minh, tuy nhiên các em không có điều kiện sử dụng dịch vụ 3G, 4G nên không kết nối internet để học trực tuyến qua facebook, zalo hay các ứng dụng khác được. Nhà trường rất lo khi đi học trở lại học sinh sẽ quên nhiều kiến thức, đặc biệt là học sinh lớp 9 sẽ học lên THPT hoặc đăng ký đi học nghề sau khi tốt nghiệp, nên đã tìm mọi cách để triển khai dạy học trực tuyến nhưng “lực bất tòng tâm”. Chỉ một số học sinh có ý thức học tập tốt và tính tự giác cao có thể học trực tuyến hiệu quả. Đối với một số xã khác như ở Bản Hồ, Thanh Bình, việc dạy học trực tuyến cũng khó thực hiện.

Phương pháp học tập online phù hợp với thành phố, nhưng không phát huy hiệu quả đối với khu vực vùng cao còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa).

Câu chuyện chúng tôi ghi nhận được ở một số trường học trên địa bàn huyện Bát Xát, Sa Pa cũng là câu chuyện chung của nhiều trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ngay cả đối với một số trường học ở khu vực thuận lợi, việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn chưa được quan tâm, lúng túng trong thực hiện hoặc chưa đem lại hiệu quả thực sự. Mặc dù rất lo lắng cho học sinh phải nghỉ học nhiều do dịch bệnh diễn biến phức tạp và cố gắng tìm giải pháp triển khai học trực tuyến cho học sinh nhưng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan đều rất khó thực hiện.

Nguồn: baolaocai.vn