Cây ăn trái là một trong những thế mạnh về nông nghiệp của các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, hàng chục ngàn héc-ta cây ăn trái đang bị đe dọa, nguy cơ thiệt hại rất lớn. Các địa phương đang khẩn trương cứu những vườn cây.
“Vương quốc” sầu riêng, cây giống lâm nguy
Những ngày này, các nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre như đang “ngồi trên đống lửa” bởi sông rạch nhiễm mặn, nắng nóng kéo dài khiến các vườn sầu riêng, chôm chôm và cả cây giống thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Nhị, ngụ xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết, vùng này cách xa biển, nhiều sông rạch bao quanh nên nước ngọt bao la. Vậy mà năm nay, nước mặn về sớm, duy trì mức cao, kéo dài nên người dân không thể lấy nước sông tưới cho sầu riêng. Bà con sử dụng nguồn nước dự trữ một thời gian thì cũng hết, đành bất lực đứng nhìn vườn sầu riêng khô kiệt, cháy lá, xác xơ… “Chín công sầu riêng của gia đình tôi mỗi năm thu hoạch khoảng 12 tấn trái, mang về 600 triệu đồng. Nhưng năm nay mọi việc đảo lộn khi mặn xâm nhập nhiều ngày, trong khi kênh mương cạn kiệt, không còn nước ngọt để tưới, tình hình vô cùng căng thẳng”- ông Nhị nói.
Tiền Giang có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất ở ĐBSCL – gần 80.000ha. Cây ăn trái một thời giúp rất nhiều hộ dân vươn lên khá giả, nhưng nay không ít nhà vườn lao đao vì nước mặn tấn công làm cây suy kiệt, nguy cơ mất mùa rất cao. Chỉ cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi héo lá, trái rụng tràn lan dưới gốc vì thiếu nước, ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Hiệp Đức, rầu rầu: “Mấy công sầu riêng này là kinh tế chính của gia đình, nhưng giờ bị mặn xâm nhập, vườn thiếu nước cả tháng nay”.
Theo UBND xã Hiệp Đức, toàn xã có 876ha vườn cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng và mít Thái. Đến thời điểm này, có 36ha sầu riêng bị thiệt hại do nước mặn gây ra, nhiều diện tích thiếu nước tưới kéo dài làm cây mất sức, suy kiệt, khả năng thiệt hại lớn… Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, cũng có hơn 1.587ha sầu riêng của 3.900 hộ dân đang khát nước. Ông Nguyễn Văn Chí, ở xã Ngũ Hiệp, cho biết: “Mặn tràn về khoảng 2 tháng nay, khiến 2,5 công sầu riêng của tôi bị cô lập. Lo sợ cây chết, tôi chạy tìm mua nước ngọt với giá 60.000-150.000 đồng/m3 (tùy đường vận chuyển xa gần) về tưới tiết kiệm cho cây. Tuy nhiên nước mắc quá nên khó duy trì lâu được, cả tuần nay tôi ngưng tưới nước và đến giờ thì cây bị rụng lá, khô cành… khả năng bị chết không dưới 50%”.
Tại Bến Tre, đến thời điểm này, 28.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh gần như bị mặn bủa vây. Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, lo lắng: “Trong 6.500ha vườn cây ăn trái thì có khoảng 70% bị héo lá, cây chựng lại vì hạn mặn. Mấy ngày qua, có không ít hộ phải bỏ ra 3-7 triệu đồng mua nước ngọt cho 1 lần tưới vườn cây ăn trái. Đây là số tiền không nhỏ và nếu duy trì thời gian dài sẽ đẩy nhà vườn vào cảnh lâm nợ”.
Cùng với cây ăn trái, hơn 2.000ha cây giống và hoa kiểng ở Chợ Lách bị kiệt sức vì thiếu nước ngọt. Ông Đinh Văn Điểm, sản xuất cây giống ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, cho biết: “Cứ 2 ngày tôi phải tốn gần 2 triệu đồng mua nước ngọt tưới cho 10.000 cây giống. Chi phí càng lúc càng tăng, trong khi giá cây giống thì giảm khoảng 20% và tiêu thụ rất chậm. Hạn mặn dữ dội nên nhiều nơi không dám trồng mới vườn cây, thế là chẳng ai mua cây giống…”.
Theo ông Trần Hữu Nghị, so với năm 2016, năm nay mặn xâm nhập sâu hơn. Trong tháng 3-2020, ranh mặn 3‰ đã bao trùm toàn huyện. Với độ mặn cao như vậy, không thể tưới cho cây ăn trái và cây giống, nhất là sầu riêng – vốn rất mẫn cảm với mặn. Do mặn duy trì lâu, các ao mương dự trữ một số khu vực đã cạn, người dân đã bắt đầu vận chuyển nước ngọt bằng xe và tàu (bơm nước thay cát). Tuy nhiên do diện tích cây ăn trái, số lượng cây giống lớn, việc vận chuyển nước chi phí cao (50.000-150.000 đồng/m3) nên đã có 1.050ha cây giống (khoảng 50% diện tích) bị ảnh hưởng, 70% diện tích canh tác thiếu nước (6.387ha). Thời gian tới, mặn sẽ duy trì ở mức cao và lâu nên thiệt hại của huyện sẽ lớn và phức tạp hơn.
Đưa nước ngọt về cứu vườn cây
Những hộ ở xa thường dùng can nước 30 lít đựng nước rồi dùng xe máy chở nước từ nhà thông tin ấp Hiệp Phú về cứu vườn cây.
Chưa đầy 7 giờ sáng, nhà thông tin ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã đông như ngày hội. Xe bồn, xe tải đậu kín bên ngoài, nhiều người xách từng chùm can nhựa tiến thẳng trụ sở ấp bởi hôm nay là ngày đầu tiên bà con được cấp nước. Với những lão nông ở “vương quốc” sầu riêng Cai Lậy thì lúc này, nước dường như quý hơn vàng.
Ông Nguyễn Văn Son, ở xã Hiệp Đức, bộc bạch: “Gần 80 năm sống ở xứ này nhưng đây là lần đầu tiên bị hạn mặn dữ dội nhất. Tám công sầu riêng của gia đình suy kiệt, cây sắp chết vì mặn. Do đó, khi được chính quyền hỗ trợ 81m3 nước ngọt giải cứu vườn cây, gia đình tôi ai cũng mừng. Tuy nhiên, nghe dự báo hạn mặn còn kéo dài khoảng 2 tháng nữa nên chúng tôi phải tiếp tục căng sức ứng phó”.
Theo ông Son, giải pháp lúc này được hầu hết nhà vườn đưa ra là hái hết trái bỏ rồi tưới nước cầm chừng, duy trì sự sống cho cây. “Chủ yếu là cứu cây. Nếu vườn sầu riêng bị chết thì mỗi công tốn hơn 200 triệu đồng và phải mất 5-6 năm mới phục hồi được. Khoảng thời gian này vừa tốn công, tốn của, rồi sống bằng gì…” – ông Son nói.
Thống kê mới nhất của Sở NN& PTNT tỉnh Tiền Giang, có hơn 36.100ha vườn cây của tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp hạn mặn, trong đó hơn 24.700ha vườn cần gấp rút bảo vệ do rất mẫn cảm với nước mặn. Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định chi hơn 37 tỉ đồng thuê sà lan vận chuyển khoảng 1,37 triệu mét khối nước ngọt từ Đồng Tháp về các huyện Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy… cứu hơn 13.000ha sầu riêng của tỉnh. Việc vận chuyển nước ngọt về phục vụ miễn phí cho vườn sầu riêng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4-2020. Cụ thể, tất cả các hộ trồng sầu riêng đều được hỗ trợ nước ngọt theo định mức 80m3 cho mỗi héc-ta đối với vườn cây từ 5 năm tuổi trở lên và 40m3 cho mỗi héc-ta của vườn cây dưới 5 năm tuổi.
Ngoài đưa nước về cứu vườn cây, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo bà con nên tranh thủ lấy nước tưới cho vườn cây ăn trái khi độ mặn nhỏ hơn 0,5g/l; sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lục bình, cỏ khô) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, dự báo chung do nước thượng nguồn ít, kéo theo dòng chảy yếu, lượng mưa khan hiếm, nhiệt độ tăng, xâm nhập mặn ở huyện Chợ Lách năm nay có khả năng kéo dài tới 5 tháng, như vậy năm 2020 hạn mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng. Giải pháp cấp bách lúc này là huyện triển khai đắp gần 20 đập tạm để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ tưới vườn cây. Tăng cường vận hành 2 máy bơm ở xã Hòa Nghĩa để lấy nước ngọt cứu sầu riêng. Đồng thời, khuyến cáo bà con cắt tỉa cành, không bón phân, không để trái lúc này, thậm chí hái bỏ trái bớt để nhẹ cây, giảm thiểu thiệt hại…