Home / Tin tức / Từ 0 giờ ngày 17-4: Vận tải hành khách liên tỉnh phân theo ba nhóm địa phương

Từ 0 giờ ngày 17-4: Vận tải hành khách liên tỉnh phân theo ba nhóm địa phương

Ngày 16-4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản 3655 để triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 (Thông báo số 158). Theo đó, từ 0 giờ ngày 17 – 4 đến hết ngày 22-4-2020, nhóm có nguy cơ cao (Nhóm I) và nhóm có nguy cơ (Nhóm II) tiếp tục tạm dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh. Nhóm có nguy cơ thấp (Nhóm III) được hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh giữa các địa phương thuộc nhóm này.

Hoạt động theo các cấp độ

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo mới về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó phân loại nguy cơ dịch COVID-19 thành 3 nhóm: Có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp và Công văn 3655 của Bộ GTVT, các địa phương vùng ĐBSCL đã cụ thể bằng các văn bản, Chỉ thị.

ĐBSCL có 5 tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ, gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Đồng Tháp.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách để phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, tiếp tục tạm dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe buýt, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển. Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và xe hỗ trợ vận chuyển người dân đi khám chữa bệnh, đi cấp cứu.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, trừ trường hợp chở người dân đi khám chữa bệnh và cấp cứu. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi bố trí từ 20 đến 30 xe để phục vụ cho nhu cầu này.

Tại Kiên Giang, từ ngày 16-4, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vẫn tiếp tục triển khai theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính Phủ và Công văn 440 của UBND tỉnh cho đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng cũng có chỉ đạo tạm dừng hành khách công cộng (xe khách, taxi).

Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch từ 16-4 đến hết ngày 22-4.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở GTVT tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện tạm dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do: công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, xe chở bệnh nhân đi cách ly, cấp cứu, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và các vấn đề khác mang tính cấp thiết.

Trong 8 tỉnh khu vực ĐBSCL thuộc nhóm nguy cơ thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh- Đồng Văn Lâm yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2020 của Chủ tịch UBND đến khi có thông báo mới. Tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài nếu không thật cần thiết; hạn chế di chuyển của người dân từ địa phương này đến địa phương khác.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở vừa ban hành thông báo về việc tổ chức thực hiện các hoạt động vận tải trong thời gian diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Từ 0 giờ ngày 17-4, Hậu Giang tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, xe buýt liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn cho đến khi có thông báo mới. Riêng đối với xe tuyến cố định nội tỉnh được phép hoạt động trở lại. Xe đưa đón công nhân, xe nội bộ vẫn hoạt động nhưng chỉ được vận chuyền tối đa không quá 50% số ghế theo giấy đăng ký và bố trí chỗ ngồi giãn cách giữa các ghế và đeo khẩu trang theo quy định. Đối với taxi, chỉ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trừ trường hợp vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu ngoài tỉnh và phải có xác nhận của cơ quan y tế.

Tỉnh Bạc Liêu cũng thông báo hoạt động vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng nội tỉnh được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo việc phun xịt, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh dịch tễ và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Các phương tiện chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ ngồi theo đăng ký. Các hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT và thỏa thuận thống nhất việc đối lưu phương tiện vận tải công cộng giữa các Sở GTVT trên địa bàn các tỉnh lân cận.

Tỉnh Bến Tre khuyến cáo hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao đến tỉnh và ngược lại. Tổ chức tốt các hoạt động giao thông công cộng để kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, giữ khoảng cách tối thiểu và không tập trung đông người.

Tỉnh Vĩnh Long cho phép các phương tiện vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội tỉnh hoạt động nhưng phải giảm tần suất hoạt động, vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ theo đăng ký và bố trí cho hành khách ngồi giãn cách giữa các ghế, đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định. Vận tải hành khách công cộng đường bộ tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, chở bệnh nhận đi cấp cứu, tang lễ.

Tỉnh Tiền Giang cho phép tổ chức lại hoạt động vận chuyển hành khách, giao thông công cộng nội tỉnh ít chuyến, tuân thủ các quy định của ngành Y tế về phòng chống dịch COVID-19. Tỉnh Cà Mau, hoạt động vận chuyển hành khách (đối với phương tiện đăng ký trên 7 chỗ ngồi chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ ngồi theo đăng ký vả bố trí ngồỉ giãn cách giữa các ghế, đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định). Các loại hình vận tải hàng hóa vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo việc phun xịt, tiêu độe, khử trùng, vệ sinh dịch tễ theo quy định của ngành y tế.

Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ,  Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22-4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 8 tỉnh trong nhóm này, gồm: Cà Mau, Hậu Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu.

Nguồn: baocantho.com.vn