Núi Bà ở huyện Phù Cát là nơi có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây ghi dấu tinh thần vượt qua gian khổ, chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Ðịnh.
Từ khi có tuyến đường du lịch ven biển, người đến tham quan Núi Bà nhiều hơn, đặc biệt rất nhiều bạn trẻ đã tìm lên Núi Bà để tìm hiểu năm xưa cha ông mình đã sống chiến đấu như thế nào ở đây, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn.
Từ trung tâm TP Quy Nhơn đi theo tuyến đường ven biển khoảng 30 km qua Khu kinh tế Nhơn Hội, là đến Khu di tích cách mạng Núi Bà (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Khu di tích được xây ở lưng chừng núi, trên tổng diện tích 18.620 m2. Đứng dưới Tượng đài Chiến thắng Núi Bà trong khu di tích (cao 18 m, gồm nhóm tượng thể hiện hình ảnh chiến sĩ giải phóng quân) được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép và phun phủ đồng, bạn sẽ thấy nơi đây ngoài việc góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, còn là điểm ngoạn cảnh tuyệt vời khi có cả núi rừng và biển xanh gọn trong tầm mắt.
Mùa này, hoa giấy, hoa sứ đã nở rộ điểm tô khuôn viên di tích. Nhiều ghế đá được bố trí ở vị trí thuận tiện cho khách ngồi nghỉ ngơi, thêm phần thú vị khi ngay dưới chân mình là con đường nhựa uốn lượn theo đường đèo, phía dưới là bãi biển rất đẹp, phóng tầm mắt ra xa hơn có thể thấy cầu Thị Nại, những tòa nhà cao tầng ở TP Quy Nhơn.
Cao 800 m so với mực nước biển, Núi Bà là dãy núi cao nhất và lớn nhất ở vùng đồng bằng Bình Định. Tại đây có rất nhiều điểm đến lẻ để bạn khám phá. Trên núi có 66 đỉnh cao thấp khác nhau, những khối đá khổng lồ đủ hình thù, có nhiều cánh rừng, con suối, các điểm uốn lượn, gấp nếp của các sườn đồi tạo địa hình hiểm trở… Trong kháng chiến chống Mỹ, Núi Bà giữ vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh, đặc biệt đối với địa bàn khu Đông.
Đường đi đến các điểm di tích trên Núi Bà.
Trong hồ sơ di tích lịch sử và thắng cảnh, khu căn cứ Núi Bà được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1994, có 22 điểm di tích ở trên núi thuộc các xã Cát Tiến, Cát Hải, Cát Tài, Cát Hưng, Cát Hanh, Cát Thành của huyện Phù Cát. Để có thể đến thăm được nhiều điểm di tích trong cùng một khung thời gian, bạn nên nhờ những người địa phương có kinh nghiệm dẫn đường. Xin báo trước là bạn phải trèo đèo, băng rừng, lội suối khá nhiều nhưng bù lại là bạn sẽ xuyên qua nhiều vị trí, cung đường có phong cảnh rất đẹp, nhất là khi leo lên những khối đá cao để ngắm toàn cảnh đồi núi, biển, đồng ruộng.
Núi Bà là điểm đến rất thích hợp để tổ chức các chuyến du khảo, dã ngoại về nguồn, đặc biệt là với các bạn đoàn viên, thanh niên. Nếu đi với mục đích này và nếu thời gian không nhiều, bạn có thể tham quan 2 điểm đến chính, gồm: Di tích Hang Đá Chẹt (thôn Phương Thái, xã Cát Tiến) được tạo thành từ những khối đá lớn chồng lên nhau tạo nhiều hang (dài 40 m, cao 4 m, sâu vào trong núi 12 m), đứng trên hang có thể nhìn thấy phía xa xa là TP Quy Nhơn, phía Nam TX An Nhơn, phía Đông huyện Tuy Phước và khu vực xung quanh có phong cảnh đẹp. Tại nơi đây, Huyện ủy An Nhơn năm 1961 đã tập hợp các đảng viên cũ của 2 chi bộ Đập Đá và Nhơn Hậu để thành lập chi bộ mới thống nhất hoạt động… Điểm di tích còn lại là chùa Ông Núi (Linh Phong) – vốn thu hút đông đảo du khách, nhưng ít người biết rằng nơi đây từng phục vụ hoạt động cách mạng. Hang đá nằm trên một con suối phía Tây Bắc chùa được Huyện ủy An Nhơn chọn làm căn cứ năm 1966. Sau đó, Thị ủy Quy Nhơn tiếp tục sử dụng hang làm khu cơ yếu, kinh tài…