Home / Doanh nghiệp / Khơi dòng chảy vốn để doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Khơi dòng chảy vốn để doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, khả năng chống chịu của doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu tới giới hạn. Cả nước đang chuyển sang giai đoạn mới, phòng chống dịch dài hơi hơn, đi đôi với phục hồi và tái khởi động nền kinh tế. Đây thực sự là thách thức, bởi các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay chỉ đạt mức 2,7-4,9%.

Du lịch là ngành chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách nước ngoài đi du lịch ở Bến Tre thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Khó khăn kép

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, DN thu hẹp sản xuất kinh doanh đã tác động trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, 4 tháng năm nay tổng thu ước đạt 491.400 tỉ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt cũng đã tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL. Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng khá mạnh do thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất. Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%), mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do hầu hết các cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so với cùng kỳ. Mặc dù xuất siêu 3 tỉ USD nhưng tỷ trọng khối DN vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng gần 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN thành lập mới, số vốn bổ sung và quy mô DN sụt giảm đáng kể. Các nhà đầu tư và chủ DN còn nhiều e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm này. Số DN ngừng hoạt động trong ngắn hạn tăng 33,6% so cùng kỳ, trong đó tập trung nhiều nhất tại các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, nghệ thuật, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, vận tải kho bãi, dịch vụ việc làm, giáo dục và đào tạo. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức 2,7%-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Nhưng để đạt được điều này các giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế phải được triển khai đồng bộ và sát thực tiễn.

Cần giải pháp căn cơ

Hiện nay nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức (-3%), Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm 13%-32% trong năm 2020. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Do đó các bộ, ngành và địa phương cần phải quyết liệt triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế trong nguy luôn có các cơ hội, nhiều DN đã tận dụng “thị trường ngách” để duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và nhiều địa phương đã khởi động các chương trình, chính sách phát triển. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện TP Cần Thơ đã khởi động ngành du lịch với thị trường nội địa và các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Ngành tài chính ngân hàng sẽ trở nên sôi động hơn với các chính sách tiền tệ mới từ Ngân hàng Trung ương và các chính sách hỗ trợ vay vốn của Trung ương và TP Cần Thơ,… Vấn đề còn lại là DN cần xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất với các phương án tái cấu trúc DN theo tình hình mới. DN cần thực hiện tái cấu trúc về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tái cấu trúc nhân sự theo hướng chất lượng hơn với cơ cấu và quy trình vận hành hợp lý hơn… Song song đó, DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển lãm trực tuyến và đấu nối với các sàn giao dịch điện tử quốc tế. Đây là xu hướng mới sẽ được nhiều quốc gia áp dụng ngay cả trong và sau đại dịch”.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, thành phố cần tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đang hoạt động và các DN khởi động lại hoạt động. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, hỗ trợ DN tái cơ cấu thị trường bằng việc cung cấp thông tin và các hoạt động kết nối. Trong dài hạn, thành phố cũng cần xây dựng nền tảng dữ liệu và kết nối với người dân và DN nhằm nhận diện sớm cũng như kịp thời đưa ra các dự báo, cảnh báo đối với những cú sốc như thiên tai, dịch bệnh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, DN đã rất ốm yếu, việc tái khởi động nền kinh tế cần gấp rút khơi dòng chảy vốn nhanh hơn, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn và gỡ các rào cản trong xuất khẩu hàng hóa… Và bản thân DN cũng phải tái cấu trúc hiệu quả để hạn chế các tổn thương. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Sau cơn bệnh nặng, DN phải phấn đấu nhiều hơn để có thể tái khởi động, vực dậy sản xuất kinh doanh. Vấn đề cần là tư duy và sự sáng tạo. Chính phủ đã có các chính sách, các gói hỗ trợ cho DN và người dân. Nhưng lâu nay chính sách luôn có độ trễ nhất định và qua nhiều tầng nấc. Do vậy, các bộ ngành và địa phương cần triển khai hiệu quả nhất các gói hỗ trợ. Trong đó phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục triển khai để rút ngắn tối đa độ trễ của chính sách; tạo thanh khoản cho ngân hàng để khơi thông dòng chảy vốn ra thị trường”. Theo Tiến sĩ Hiệp, việc phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội dù là lồng ghép nhưng cần tách bạch 2 mục tiêu: an sinh xã hội cho người nghèo, lao động và nâng cao năng lực cho DN để phục hồi kinh tế.

Nguồn: baocantho.com.vn