Dù nhiều địa phương nói chung và Huế nói riêng đã bắt đầu “khởi động” đón khách du lịch trở lại từ cuối tháng 4/2020. Song để du lịch vừa đảm bảo thu hút được khách, vừa đảm bảo an toàn, cần có gói kích cầu lớn, mang quy mô toàn quốc.
Chiều 6/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp du lịch các địa phương; đồng thời, tập hợp các giải pháp để xây dựng gói kích cầu du lịch cho toàn ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Bắt đầu “chiến dịch” từ giữa tháng 5
Đã qua 20 ngày Việt Nam không ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đây là thời điểm mà du lịch cả nước cần có chiến lược, kế hoạch phục hồi, nhất là trong bối cảnh khách du lịch quốc tế gần như không đến Việt Nam trong năm 2020 và khách nội địa sẽ là “cứu cánh” cho toàn ngành.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, dù trước đó, ngành du lịch đã triển khai một số kích cầu, nhưng rõ ràng, dịch bệnh có sức “công phá” lớn hơn dự đoán ban đầu. Trong thời điểm khởi động trở lại như hiện tại, phải có chiến lược bằng gói kích cầu đồng bộ trong cả nước; tập trung vào khách nội địa với các sản phẩm chính, như du lịch di sản, biển, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng… Hạn chế di chuyển nhiều nơi và đảm bảo các tiêu chí an toàn nhất.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam nhận định, các địa phương trong cả nước cơ bản khai thác khách nội địa trở lại từ đầu kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhưng công tác phục vụ, khai thác còn khá lúng túng. Do đó, yêu cầu được đặt ra là hoạt động phải có trật tự, có sự kiểm soát, đảm bảo tuyệt đối các nguyên tắc an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, “chiến lược” kích cầu toàn quốc phải được bắt đầu thực hiện từ giữa tháng 5/2020, chứ không thể chậm hơn. Sẽ có những cụm điểm đến để tập trung xây dựng gói kích cầu cho phù hợp, như Tây Bắc, Đông Bắc, miền Tây Nam bộ… Đặc biệt miền Trung, cụ thể là Quảng Bình, Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng phải là điểm đến trọng tâm trong thời gian đến.
Để có thể “khơi dậy” tâm lý đi du lịch trở lại của khách nội địa, ngoài sự đồng bộ của các địa phương bằng các gói khuyến mãi hấp dẫn, cần có chiến dịch quảng bá thật sự quy mô, bài bản trong cả nước. Quan trọng nhất vẫn là truyền đi thông điệp điểm đến an toàn. Ngoài ra, sự đồng thuận, hỗ trợ của các địa phương để cùng nhau khai thác gói kích cầu cũng được nhấn mạnh.
Huế đã sẵn sàng
Tại Huế, hoạt động du lịch được tái khởi động từ cuối tháng 4/2020, bắt đầu ở kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Lượng khách du lịch cũng được ghi nhận đến Huế khá tương đối.
Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin đến các đối tác trong cả nước, Huế sẵn sàng để đón khách trở lại bằng gói kích cầu hấp dẫn nhất.
Thông tin đến Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả các doanh nghiệp trong cả nước, ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, để tăng khả năng thu hút khách trong thời gian đến, các đơn vị lữ hành, vận chuyển ở Huế sẽ giảm 20% giá dịch vụ, khách sạn có chính sách ngủ 3 đêm tính tiền 2 đêm, các điểm tham quan di sản giảm đến 50% giá vé từ nay đến hết tháng 8/2020… Đồng thời, chất lượng các dịch vụ tiếp tục được nâng cao. Do đó, Huế đã sẵn sàng cho các hợp tác với các doanh nghiệp trong cả nước để đón khách trở lại.
Phía Hội Lữ hành Huế cũng thông tin, đã xây dựng một số tour tuyến mới với chủ đề “Huế không chỉ có di sản”, với các chùm tour kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và chùm tour về đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Ngoài ra, du lịch ba địa phương “Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam” xây dựng sản phẩm kích cầu chung với chùm tour 4 ngày 3 đêm, điểm nhấn là văn hóa, di sản và khám phá thiên nhiên…
Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu chính quyền địa phương nằm ngoài cuộc sẽ rất khó để các doanh nghiệp triển khai được gói kích cầu mang tính linh hoạt. Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, riêng ở Huế, chính quyền địa phương rất quan tâm, vào cuộc một cách sâu sát để nắm bắt khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp. Các thắc mắc, khó khăn đều được hỗ trợ gỡ khó kịp thời.
Ông Đinh Mạnh Thắng đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực hiện giải pháp kích cầu không chỉ có mỗi địa phương mà cả quốc gia, đa lĩnh vực. Nếu ngành du lịch đưa ra chính sách tốt, đảm bảo an toàn đến mấy, nhưng ngành hàng không, các dịch vụ vận chuyển không đồng hành thì vẫn sẽ rất khó để khai thác tốt khách đi và đến. Ngành hàng không phải vào cuộc ngay từ ban đầu, hy sinh trước mắt để cả hai ngành cùng có lợi lâu dài.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, sự chủ động của Huế là rất cần thiết và giúp Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch chung cho toàn ngành. Những giải pháp, gói kích cầu của Huế sẽ được thông tin đến các thành viên trong hiệp hội, để xây dựng tour tuyến đến Huế trong thời gian sớm nhất.