Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố cấu trúc đề thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi năm nay không có nhiều thay đổi trong cấu trúc đề thi; nội dung đề các môn gắn với thực tế và giảm tải theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Giữ tính ổn định
Theo cấu trúc đề thi các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh mà Sở GD-ĐT vừa công bố, nội dung đề thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay chủ yếu thuộc chương trình lớp 9 do Bộ GD-ĐT ban hành. Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh sẽ không thi vào nội dung được Bộ GD-ĐT hướng dẫn “không dạy”, “không làm”, “đọc thêm”, “tự học có hướng dẫn”…
Theo cô giáo Nguyễn Ánh Tuyết, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân), cấu trúc đề thi môn ngữ văn có sự thay đổi nhẹ, mặc dù vẫn gồm ba phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Tuy nhiên, phần đọc hiểu năm ngoái chiếm 4 điểm nay giảm xuống còn 3 điểm. Nội dung đề thi mang tính chất khái quát, tổng hợp, bao trùm kiến thức, chủ yếu nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 9, theo chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT và không vào những phần tinh giản.
Với môn Toán và tiếng Anh, các giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) đánh giá, đề thi cơ bản giữ nguyên cấu trúc so với năm trước về thời gian làm bài, số lượng câu hỏi, hình thức thi… Đề tiếng Anh gồm 25 câu hỏi, thời gian làm bài là 45 phút. 13 câu đầu là câu hỏi trắc nghiệm, tiếp đến là 8 câu đọc hiểu và 4 câu dạng chọn từ điền vào chỗ trống. Mỗi câu làm đúng tương đương 0,4 điểm. Quy mô kiến thức và từ vựng trong đề thi chỉ ở mức cơ bản, chủ đề bài đọc hiểu cũng sẽ rất quen thuộc, bám sát chương trình trong sách giáo khoa lớp 9.
Tương tự, thầy giáo Vũ Hoàng Hiệp, giáo viên môn Toán cho biết, đề thi năm nay có giảm bớt một số kiến thức, ví dụ ở câu số 1 đề không ra vào phần căn bậc 3; ở câu số 4 hình học không gian, đề không ra vào phần nón cụt. Đề môn Toán đều vào những nội dung cơ bản, phù hợp với tình hình thực tế năm nay.
Nắm vững kiến thức, kỹ năng
Mặc dù cấu trúc đề không có nhiều sự khác biệt, nhưng các giáo viên cũng lưu ý, đề thi sẽ có những câu phân hóa để có thể lựa chọn được những thí sinh đủ tiêu chuẩn vào các trường tốp đầu. Học sinh cần ôn tập tốt các dạng bài theo sách giáo khoa, nhất là khi làm bài cần rèn tính cẩn thận để không bị mất điểm.
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Vân, giáo viên Ngữ văn (Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền) cho rằng, với môn Văn, học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa có thể hoàn thành tốt được bài. Khi làm các câu đọc – hiểu, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Tránh lan man, dài dòng không cần thiết. Phần nghị luận xã hội, học sinh cần bảo đảm cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận, rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính mình…
Thầy giáo Vũ Xuân Dương, giáo viên tiếng Anh (Trường THCS Chu Văn An) cũng lưu ý, đề thi tiếng Anh những năm gần đây chú trọng đến phần từ vựng, nếu không nắm chắc phần này, các em sẽ gặp khó khăn khi làm bài. Các học sinh có sức học trung bình cần tập trung vào làm tốt những phần có thể “gỡ điểm” như phát âm, chữa lỗi sai (chiếm khoảng 4 câu trong bài), đồng thời rèn cho mình kỹ năng phân tích, loại trừ để chọn ra được đáp án hợp lý nhất. Bên cạnh đó, các em phân tích, suy luận kỹ để làm tốt phần reading (đọc hiểu).