Từ năm 2015 đến 2018, hiện tượng sụt lún, nứt đất xuất hiện tại khu vực thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn ngày càng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trước tình trạng đó, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân.
Khu vực điều tra khảo sát có diện tích 15km2 thuộc địa phận thị trấn Bằng Lũng, xã Ngọc Phái và một phần thuộc xã Bằng Lãng. Mục tiêu là đánh giá hiện trạng sập sụt đất, nứt đất khu vực thị trấn Bằng Lũng – xã Ngọc Phái – xã Bằng Lãng; xác định nguyên nhân, dự báo nguy cơ, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả và định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đề xuất các giải pháp khắc phục sự cố, phòng tránh, giảm thiểu hậu quả của hiện tượng tai biến địa chất sập sụt đất, nứt đất…
Đặc điểm trong vùng nghiên cứu có suối Khau Cun và một số suối khác thuộc hệ thống sông Phó Đáy. Ngoài ra, có nhiều nhánh suối nhỏ chảy dọc theo các khe núi và chảy ngầm qua các vùng karst (hang động ngầm), chúng thường khô cạn về mùa khô. Cánh đồng giữa núi trong vùng nghiên cứu được hình thành chủ yếu bởi quá trình trầm tích của suối Khau Cun, nhiều chỗ thung lũng suối nhỏ hẹp có dạng chữ V, có dòng chảy mạnh về mùa mưa, đôi chỗ đáy phình rộng tạo thành các thềm ruộng rộng từ vài chục đến 700 – 800 mét.
Để điều tra, khảo sát khảo sát thực địa, đội ngũ cán bộ Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã tổ chức 3 nhóm. Bao gồm khảo sát điều tra hiện trạng, sụt lún, nứt đất; khảo sát đo vẽ cấu trúc địa chất và khảo sát nước mặt, nước ngầm… Qua khảo sát đã ghi nhận được 148 hố sụt đất, 14 vết nứt đất chính, 24 điểm trượt lở đất xuất hiện trong vùng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là các điểm lộ địa chất, các giếng đào, giếng khoan, các điểm xói lở, trượt đất, suối, ao, hồ, đặc điểm địa hình, địa mạo, thảm thực vật; thực hiện 18 lộ trình khảo sát với tổng chiểu dài hơn 46km, gồm 216 điểm khảo sát trên toàn bộ vùng nghiên cứu…
Qua 02 năm khảo sát, nghiên cứu, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đánh giá hiện tượng sập sụt, lún nứt nền đất bao gồm 2 nhóm yếu tố tự nhiên và nhân sinh. Trong đó, các hiện tượng sập sụt xảy ra bởi các yếu tố tự nhiên thường có phạm vi và quy mô nhỏ, tần xuất thấp và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Trong vùng có 4 nhóm đứt gãy và 5 đới phá hủy kiến tạo. Hệ thống karst ngầm với mật độ sông suối khá dày, chế độ thủy văn tốt. Thực tế cho thấy, hệ thống karst trong vùng nghiên cứu rất phát triển, một số lỗ khoan gặp đến 7 hang karst ở các độ sâu khác nhau, chiều rộng hang thay đổi từ 0,3 – 19m; độ sâu bắt gặp từ 7,6m đến 68m, trong đó phổ biến nhất ở độ sâu từ 20-60m, chiếm khoảng 80%.
Vùng nghiên cứu có 2 tầng chứa nước là tầng chứa nước mặt và tầng chứa nước karst (ngầm) đều có sự biến động mạnh trong thời gian quan trắc, trong đó tầng chứa nước karst bị hạ thấp từ 21,08m đến 30,0m. Hố sụt và vết nứt đất trong vùng nghiên cứu hầu hết xuất hiện tại các khu vực có tầng phủ là các trầm tích được hình thành trong quá trình bồi tích, lũ tích của các sông suối trong vùng, trong đó suối Khau Cun đóng vai trò chính.
Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu cũng chỉ ra trong vùng có hoạt động khai thác quặng chì kẽm. Đó là mỏ Nà Tùm (hiện tạm dừng) tại tổ 10, thị thấn Bằng Lũng; mỏ Nà Bốp và Pù Sáp tại bản Lắc, xã Bằng Lãng. Các mỏ cung cấp tài liệu như một số hình trụ lỗ khoan kiểm tra karst, xử lý chống thấm, bơm cấp bù nước, bình đồ vị trí lỗ khoan… Vì nguồn tài liệu hạn chế, nên để đánh giá tác động của mỗi mỏ và giữa các mỏ liên quan đến hiện tượng sập sụt, lún đất trong vùng là rất khó khăn. Từ những nguyên nhân gây sập sụt, lún, nứt nền đất, trong số các yếu tố ảnh hưởng được liệt kê ở trên, có 3 yếu tố thuộc về tự nhiên và phổ biến ở các vùng karst. Đó là yếu tố cấu trúc địa chất, hệ thống karst ngầm và đặc điểm thành phần của tầng phủ.
Căn cứ vào đặc điểm, vị trí, thời gian xuất hiện hố sụt, vết nứt đất trước đây, cũng như kết quả quan trắc liên tục mực nước ngầm tại 6 giếng khoan (3 giếng mới lắp đặt và 3 giếng thuộc mỏ Nà Tùm) từ 30/5/2019 đến 1/11/2019 và theo dõi sự xuất hiện các hố sụt trong thời gian này, đồng thời tham vấn, đối sánh kết quả nghiên cứu của các tài liệu khoa học và kết quả kiểm chứng trên mô hình địa kỹ thuật 2D bằng phương pháp phần tử hữu hạn, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản khẳng định: Hiện tượng sập sụt, lún, nứt đất trong vùng nghiên cứu xảy ra do tác động của sự hạ thấp mực nước ngầm trong tầng karst, do các hoạt động bơm hút quá mức.
Từ nguyên nhân dẫn đến sập sụt, lún nứt đất trên địa bàn xã Ngọc Phái, thị trấn Bằng Lũng, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo thực hiện các giải pháp điều chỉnh, giữ ổn định mực nước ngầm ở trạng thái cân bằng tự nhiên, không để mực nước ngầm bị hạ thấp, xảy ra trên diện rộng. Các cấp, ngành chức năng cần tập trung xác định nguồn gây hạ thấp mực nước và xem xét có biện pháp, chế tài thích hợp theo các quy định hiện hành của Nhà nước; đồng thời rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở, đơn vị, tập thể, cá nhân trong vùng có hoạt động bơm hút, sử dụng nguồn nước ngầm nhằm kiểm soát mức độ hạ thấp mực nước, giảm thiểu nguy cơ sụt lún, khô hạn và ô nhiễm nguồn nước./.