Home / Doanh nghiệp / Xuất khẩu cà phê đang gặp khó

Xuất khẩu cà phê đang gặp khó

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Sở Công thương, dự báo đại dịch sẽ tác động kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu cà phê khi các thị trường tiêu thụ chính đều gặp khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Chuỗi sản xuất cà phê sạch K’Ho Coffee đang chuyển hướng tìm kiếm các chuỗi rang xay trong nước.
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo Sở Công thương, tính từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp trong tỉnh. Riêng trong tháng 5/2020, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân đạt 12,3 ngàn tấn, đạt giá trị 17,6 triệu USD, giảm 1% về lượng và 13,3% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân ước đạt 52,5 ngàn tấn, giá trị 78,6 triệu USD, giảm mạnh 10% về lượng và 17,5 giá trị so với cùng kỳ.
Mặc dù, thị trường xuất khẩu cà phê đã có những tín hiệu phục hồi, tuy nhiên, theo Sở Công thương tỉnh dự báo trong quý II cũng như thời gian xa hơn đến hết năm nay, tình hình xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đáng kể.
Ông Đoàn Mạnh Trình – Phó Giám đốc Công ty TNHH Tám Trình cho biết: Với sáu dòng sản phẩm cà phê đã qua chế biến và cà phê nhân, trung bình mỗi năm công ty xuất ra thị trường khoảng 10 ngàn tấn cà phê các loại, hàng chất lượng cao khoảng 2.000 tấn; trong đó, xuất khẩu đạt từ 30-40%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường thế giới giảm mạnh, nhiều quốc gia thực hiện đóng cửa các hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến các nhà rang xay cũng tạm ngưng hoạt động chế biến.
Trong khi đó, các nước Đức, Mỹ và Ý tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,1% (121,29 triệu USD), 10% (80,62 triệu USD) và 9,5% (76,91 triệu USD). Chính điều này đã trực tiếp đẩy giá cà phê tiếp tục xuống thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Tại thị trường nội địa, thị trường cà phê biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã giảm 600 – 800 đồng/kg xuống mức 30.500 – 30.700 đồng/kg. So với cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô giảm 1.600 – 2.100 đồng/kg.
Giá xuống thấp, cộng thêm việc thiếu đối tác khiến doanh nghiệp không xuất khẩu được, còn người trồng cà phê cũng hạn chế bán ra.
Tồn kho dự báo sẽ tăng
Theo đánh giá của các công ty xuất khẩu cà phê lớn trong tỉnh, giá cà phê Robusta trong nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm. Ông Nguyễn Song Vũ – Giám đốc mảng cà phê HTX Trường Sơn – Cầu Đất cho biết: Riêng cà phê Arabica, thời điểm hiện tại HTX đã xuất bán hết sản lượng cho các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với giá bán từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta là loại cà phê có lượng xuất khẩu lớn của xã viên trong HTX đang còn tồn kho khá nhiều. Với giá bán hiện tại từ 32 – 33 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với cùng kỳ từ 3 – 4 triệu đồng, nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, nhiều nông dân lựa chọn giải pháp lưu hàng trong kho, chờ giá lên.
Tại Công ty Tám Trình, hiện đang tồn kho gần 500 tấn cà phê. Theo ông Trình, do tình hình dịch Covid-19 đã và đang bùng phát mạnh tại các nước châu Âu nên nước này đã hạn chế hoạt động nhập khẩu nông sản với một số nước. Vì vậy, một số hợp đồng đã ký giữa công ty và các đối tác bất khả kháng buộc lòng phải hủy bỏ.
“Ngoài các nông trại sản xuất hiện có, Tám Trình đã liên kết với gần 200 hộ dân tại các huyện Di Linh, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt để trồng cà phê sạch, cao cấp phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Đối với diện tích liên kết, công ty đã hoàn thành việc thu mua 100% sản lượng cho người dân. Hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ đã ký trước đó của công ty coi như đã bị hủy, doanh nghiệp buộc lưu kho, chờ diễn biến của đại dịch” – ông Đoàn Mạnh Trình chia sẻ.
Ông Châu Văn Sĩ – Đại diện Công ty TNHH Olam Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng đánh giá, chuỗi các cửa hàng cà phê, nhà hàng là kênh tiêu thụ lớn nhất hiện nay. Thay vì ký hợp đồng mới, hiện các nhà rang xay đang tăng cường sử dụng hàng tồn kho trước đó. Điều này liên luỵ đến toàn hệ thống sản xuất, xuất khẩu. Hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp cà phê cũng bị thu hẹp lại khá nhiều.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ cà phê giảm, sức mua yếu do dịch Covid-19 diễn ra chủ yếu tại các vùng tiêu thụ chính. Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước trong đó có châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm hoạt động mua bán phục vụ cà phê trực tiếp, nhiều chuỗi/hàng quán đóng cửa là một thiệt hại lớn cho ngành cà phê, nhất là người trồng. Tại Mỹ, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã tuyên bố đóng cửa vô thời hạn một số địa điểm rang xay tại nhiều bang ở Mỹ trong cuối tháng 3 vừa qua.
Cũng theo ông Sĩ, để vượt qua khó khăn, một số doanh nghiệp, nhà vườn sản xuất cà phê sạch đã và đang chuyển hướng tìm kiếm các chuỗi rang xay trong nước để một khi dịch bệnh không còn, sản phẩm của họ sẵn sàng tìm đến khách hàng mới.
Nguồn: baolamdong.vn