Quy hoạch Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1999 với kỳ vọng trở thành trung tâm kết nối giữa đô thị hiện đại Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông của tỉnh này. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm nơi đây vẫn chỉ là những khu đất bỏ hoang với biết bao hệ lụy để lại.
Một trong những nguyên nhân khiến hơn 20 năm sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, Khu đô thị mới (KĐTM) Điện Nam – Điện Ngọc của tỉnh Quảng Nam vẫn chỉ là những khu đất trống nhếch nhác, quy hoạch bị băm nát, khiếu kiện liên quan đến đất dự án liên tục diễn ra gây bức xúc xã hội… là do chính quyền địa phương giao dự án cho những chủ đầu tư không đủ năng lực.
Thị trường bất động sản mất uy tín trầm trọng
Nhiều người cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) tại Quảng Nam bị “đóng băng” do ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid-19 chỉ đúng một phần. Bởi, sau khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống một thời gian, thị trường BĐS tại tỉnh này cũng không hề khởi sắc.
Qua tìm hiểu, hầu hết các sàn giao dịch đình đám, nhộn nhịp trước kia vẫn đang tạm đóng cửa hoặc đóng cửa luôn. Thậm chí, những sàn giao dịch, đơn vị phát triển dự án lớn được cho là uy tín nhất khu vực miền Trung cũng hoạt động cầm chừng, nguy cơ “sập sàn” đang hiện hữu khi mà tiền đầu tư “chôn” vào các dự án nằm bất động.
Những khách hàng lẻ đầu tư tại những dự án có vị trí đẹp trong khu đô thị muốn bán, sau khi không chịu nổi lãi suất ngân hàng cũng rất khó tìm được khách mua, thậm chí chấp nhận bán lỗ.
Điều đó cho thấy, thị trường BĐS tại Quảng Nam đang có vấn đề khá nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia bất động sản khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ủ rũ hiện nay là do thị trường BĐS tại Quảng Nam đã mất uy tín sau khi hàng ngàn khách hàng nhận trái đắng từ những chủ đầu tư yếu kém làm ăn chụp giật.
Hàng ngàn khách hàng nhận trái đắng từ những chủ đầu tư yếu kém làm ăn chụp giật.
Cụ thể, hàng loạt chủ đầu tư bán “lúa non” khi dự án chưa đủ pháp lý theo luật định, sau đó không đủ năng lực tài chính tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không thực hiện nghĩa vụ tài chính cho nhà nước; Giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch kiện cáo đưa nhau hầu tòa giải quyết tranh chấp, dẫn đến việc hàng ngàn người dân mua đất tại các dự án của KĐTM Điện Nam – Điện Ngọc sau nhiều năm vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Trong đó, điển hình là Công ty CP Bách Đạt An (chủ đầu tư) và Công ty CP Hoàng Nhất Nam (đơn vị phân phối) tại 3 dự án là: Khu đô thị Bách Đạt 1, 7B mở rộng, Hera Complex Riverside. Hệ lụy để lại là hàng ngàn người dân khiếu kiện liên miên, gây bức xúc trong xã hội, khiến bao gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.
“Một thị trường BĐS đầy rủi ro như vậy thì ai dám mạo hiểm đầu tư? Chẳng ai trong thời điểm này bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư đất tại dự án của các chủ đầu tư không có năng lực để rồi cực khổ đi đòi đất. Trong khi đó, dễ gì người mua đòi được khi chính quyền đẩy trách nhiệm sang chủ đầu tư, chủ đầu tư đẩy sang đơn vị phân phối, cuối cùng chẳng biết ai chịu trách nhiệm, chỉ có khách hàng chịu thiệt”, một chuyên gia BĐS tại Hà Nội chia sẻ.
Khu đô thị sau nhiều năm vẫn chỉ là những bãi đất hoang
Thanh lọc chủ đầu tư yếu kém lấy lại uy tín cho thị trường BĐS
Theo báo cáo, hiện KĐTM Điện Nam – Điện Ngọc đã phủ dày hơn 80 dự án bất động sản, chủ yếu là phân lô bán nền. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư được giao đất hơn chục năm đến nay vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Thậm chí có dự án chưa có hạ tầng nhưng bằng cách nào đó đã bán hết cho khách hàng và chiếm dụng vốn trong thời gian dài.
Trong số hơn 80 dự án tại đây, số dự án ra được sổ đỏ tại KĐTM Điện Nam – Điện Ngọc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có những dự án dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã chuyển nhượng, sang tay nhiều người nhưng vẫn chưa hoàn thiện được hạ tầng và công trình tiện ích xã hội, chưa hoàn thành việc đấu nối các tuyến giao thông với trục chính, hệ thống xử lý nước thải…
Nhiều dự án, chủ đầu tư phân lô bán hết đất rồi bỏ hoang cho cỏ dại mọc đầy, hiện hữu một khu đô thị nhếch nhác, hoang vắng sau hơn 20 năm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch. Người dân địa phương từ kỳ vọng trở lên thất vọng chán chường và mất niềm tin vào năng lực quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Người dân tập trung tại trụ sở Tòa án yêu cầu giải quyết quyền lợi sau khi mua đất dự án tại KĐTM Điện Nam – Điện Ngọc.
Trường hợp hàng ngàn khách hàng mua đất tại 3 dự án khu đô thị Bách Đạt 1, 7B mở rộng, Hera Complex Riverside tại khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư đã để lại hệ lụy rất lớn. Hàng trăm người dân nhiều lần kéo đến trụ sở 2 công ty, trụ sở UBND tỉnh, thậm chí là trụ sở Tòa án để yêu cầu giải quyết quyền lợi, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng môi trường đầu tư của địa phương là bài học nhãn tiền cho Quảng Nam về thu hút đầu tư và năng lực quản lý dự án của cơ quan, chính quyền các cấp.
Nhiều người dân cho rằng, những chủ đầu tư yếu kém kiểu “tay không bắt giặc”, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng được UBND tỉnh Quảng Nam giao hàng chục dự án phân lô bán nền, trong khi không có năng lực tài chính thực hiện đã để lại hệ lụy xấu cho xã hội, cần phải thẳng thừng thanh lọc. Có vậy mới hy vọng lấy lại uy tín cho môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch của Quảng Nam. Không để “con sâu làm rầu nồi canh” mà hệ lụy chính người dân phải gánh chịu.
Người dân tập trung đông người kêu cứu UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Bách Đạt An giải quyết quyền lợi khi mua đất dự án của công ty này.
Trả lời báo chí, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Quảng Nam đang quyết liệt chấn chỉnh lại, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, không triển khai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, huy động vốn trái phép hoặc có dấu hiệu “xí đất” đợi tăng giá rồi chuyển nhượng. Đồng thời, triển khai đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết để khớp nối với quy hoạch tổng thể khu đô thị.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải tuân thủ nguyên tắc, chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án phát triển đô thị, nhà ở đối với toàn bộ diện tích đất phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sớm khởi công Dự án sông Cổ Cò sẽ cứu BĐS Quảng Nam
Qua nhiều đồ án quy hoạch, chính quyền hai địa phương là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn khẳng định, con sông Cổ Cò là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An.
Theo đó, việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò như một động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ vực dậy kinh tế của cả một vùng.
Một nghiên cứu của TS Nguyễn Hồng Ngọc và KTS Dương Văn Hoàng về tầm quan trọng của sông Cổ Cò đăng trên tạp chí Kiến Trúc, khẳng định: Việc xây dựng một thành phố mới ven sông nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An kì vọng sẽ tạo ra tác động qua lại, lan tỏa cho sự phát triển vùng đô thị Tây Bắc Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tạo động lực mới với cảnh quan sông nước hữu tình, trên bến dưới thuyền tấp nập ngược xuôi.
Cùng với đó, hàng chục những khu nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp từ cơ sở y tế, nhà dưỡng lão, trường học chất lượng cao… sẽ mọc lên dọc 2 bên bờ sông này.
Phối cảnh sông Cổ Cò sau khi nạo vét (Ảnh: Internet)
Việc tỉnh Quảng Nam quy hoạch dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái ven sông Cổ Cò sau khi nạo vét đạt đẳng cấp quốc gia và quốc tế, đáp ứng nhu cầu sinh sống và nghỉ dưỡng cho người có thu nhập cao và khách du lịch trong và ngoài nước, đã hút nhiều dự án quy mô lớn đổ về đây.
Trên bản đồ quy hoạch, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) hiện đã phủ kín hàng chục dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, căn hộ, biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn… Tuy nhiên, thực tế sau nhiều năm vẫn chỉ có vài dự án được triển khai do chờ đợi con sông này được nạo vét.
Vậy nên, nếu dự án khơi thông sông Cổ Cò được thực hiện theo đúng tinh thần, lộ trình tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trước đó là thông luồng toàn tuyến trong năm 2020, đồng thời Quảng Nam kiên quyết thanh lọc những chủ đầu tư yếu kém, tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch các dự án thì sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu nhất để cứu thị trường BĐS của tỉnh này. Đặc biệt là các dự án căn hộ, biệt thự ven sông Cổ Cò đã đủ pháp lý hiện đang triển khai thi công, hoặc chuẩn bị thi công.
Người dân đang trông chờ sông Cổ Cò sẽ sớm được nạo vét
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã phát hành hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu Dự án nạo vét sông Cổ Cò vào tháng 5 vừa qua và dự kiến sẽ chính thức khởi công trong tháng 7 tới, hy vọng sẽ là động lực để thị trường BĐS Quảng Nam sôi động trở lại.