Home / Du lịch / Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Bà Rịa – Vũng Tàu cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Bà Rịa – Vũng Tàu cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa

Ngày 12/6/2020 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo “Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm mới cho ngành Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

Hội thảo do Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức với sự tham dự của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và đại diện các doanh nghiệp du lịch ở địa phương.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TCDL)

Hội thảo do Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức với sự tham dự của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và đại diện các doanh nghiệp du lịch ở địa phương.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, giai đoạn vừa qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc cả về lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Năm 2019, Du lịch Việt Nam được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng của World Travel Awards: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (lần đầu tiên), Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (lần đầu tiên), Điểm đến hàng đầu Châu Á (lần thứ 2 liên tiếp), Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á (lần thứ 2 liên tiếp), Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (lần đầu tiên).

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TCDL)

Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm vừa qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Lãnh đạo tỉnh, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực du lịch được đầu tư mạnh mẽ. Nhờ đó mà kết quả kinh doanh du lịch của địa phương rất ấn tượng, năm 2016 Bà Rịa – Vũng Tàu mới đón tiếp phục vụ được 8,6 triệu lượt khách thì đến năm 2019, đã đón được 16 triệu khách trong đó có gần 500 nghìn khách du lịch quốc tế.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách quan trọng định hướng cho du lịch phát triển mạnh mẽ, như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Để thúc đẩy du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu tăng tốc phát triển, trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị một số giải pháp:

Một là, Bà Rịa – Vũng Tàu cần phát huy hơn nữa lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện tài nguyên trong hoạt động kinh doanh du lịch. Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí thuận lợi, chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 100km, có đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, nhiều hồ chứa nước lớn, nhiều sông, suối, quanh năm nắng ấm, ít gió bão.

Địa phương cần phát triển các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ, đường thủy kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai không xa. Đồng thời phát huy không gian biển đảo để phát triển du lịch, trong đó chú trọng địa bàn đô thị du lịch Vũng Tàu, Xuyên Mộc và Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.

Hai là, cần huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tập trung triển khai các quy hoạch: Quy hoạch chung tuyến ven biển Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo; Quy hoạch Khu du lịch Bến Cát Hồ Tràm; Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải; Quy hoạch khu du lịch quốc gia Côn Đảo, Quy hoạch phố du lịch Bãi Sau; Quy hoạch Cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế; Quy hoạch phát triển các tuyến sông, ven sông gắn với du lịch đường sông.

Ba là, cần ưu tiên đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển đảo đẳng cấp quốc tế kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, kiến trúc đô thị và các công trình văn hóa. Coi đây là hướng ưu tiên khai thác lâu dài để tạo nên thương hiệu du lịch biển hàng đầu của Việt Nam và vươn tầm trong khu vực Đông Nam Á.

Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử cần kết hợp hài hòa chiều sâu văn hóa bản địa với văn hóa ba miền.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, phối hợp thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hợp tác với các đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp tạo ra các sản phẩm du lịch MICE trọn gói, hấp dẫn.

Bốn là, tập trung đầu tư phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế. Vũng Tàu chỉ cách hơn 100km từ thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm, cửa ngõ đón khách du lịch khu vực miền Nam và của cả nước, trong tương lai cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 30km. Trên cơ sở lợi thế của mình, Bà Rịa – Vũng Tàu cần có chiến lược phát triển trở thành trung tâm tổ chức sự kiện đẳng cấp quốc tế mang dấu ấn của vùng đất và con người nơi đây.

Năm là, tăng cường thu hút các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp. Có chính sách, cơ chế thu hút các tập đoàn đầu tư nước ngoài vào đầu tư các khu vui chơi giải trí, khu thương mại shopping mang tầm quốc tế để hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Cần ưu tiên nguồn vốn cho công tác đào tạo chuyên môn cho nhân lực du lịch, đồng thời cần tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm hướng đến chuẩn hóa trình độ nghề du lịch trước hết là chuẩn nghề du lịch ASEAN.

Bảy là, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch kinh doanh hoạt động trên địa bàn. Áp dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ của nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế qua đường tàu biển.

Tám là, cần đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Trên cơ sở Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch của địa phương theo từng giai đoạn và phân công cụ thể nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia.

Chín là, phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch – lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch.

Mười là, tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Với những nỗ lực quyết tâm của Bà Rịa – Vũng Tàu và những giải pháp phát triển du lịch đúng đắn, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tin tưởng Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra như tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030./.

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn