Home / Giáo dục / Động lực phát triển ngành giáo dục – đào tạo Yên Bái

Động lực phát triển ngành giáo dục – đào tạo Yên Bái

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái luôn khắc ghi và nỗ lực triển khai hiệu quả. Từ đây, phong trào thi đua đã nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.

Giờ thực hành của cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Xác định giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng, là kim chỉ nam trong thực hiện phong trào thi đua của đất nước, của ngành, trong những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai có hiệu quả việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của ngành. 100% các đơn vị trường học tổ chức triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhiều tập thể xây dựng mô hình cụ thể, thiết thực, sát với thực hiện nhiệm vụ được giao và phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt đã tuyên truyền, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 – 2020 với sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh, với 2.014 tác phẩm thuộc các thể loại: tranh cổ động, truyện ký, thơ và tác phẩm quảng bá hình ảnh của tập thể các đơn vị trong học tập và làm theo Bác.
Ngành đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên tuyên truyền Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2019 đến cán bộ quản lý trong toàn ngành, tổ chức Hội nghị trực tuyến 10 điểm cầu, mời Giáo sư, chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo truyền đạt tới 1.200 cán bộ, giáo viên của ngành; tổ chức in đĩa bài giảng phát cho 100% cơ sở giáo dục, đào tạo để học tập, quán triệt. Đồng thời, tổ chức thành công Hội thi “Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành” năm 2019… Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” thực sự đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong công tác dạy và học, được các tập thể và cá nhân toàn ngành đồng tình hưởng ứng tích cực. Nhiều tập thể xây dựng mô hình cụ thể, thiết thực, sát với thực hiện nhiệm vụ được giao và phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện như mô hình: “Đổi mới dạy và học Tiếng Anh, tạo hứng thú, động lực cuốn hút học sinh yêu thích môn học và phát triển môi trường dạy học, sử dụng Tiếng Anh” của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái; “Dạy học gắn với thực tiễn” của Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái; “Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học” của Trường THPT Chu Văn An; “Phòng ở vệ sinh, văn minh” của Trường PTDTNT THCS Mù Cang Chải; “Thư viện xanh” của Trường PTDTNT THCS huyện Văn Chấn; “Đổi mới, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành…
Cùng với đó xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, tâm huyết với nghề, luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, say mê chuyên môn, giúp đỡ dìu dắt học sinh tiến bộ. Nhiều tấm gương thầy cô giáo đã và đang âm thầm hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp dạy học ở vùng khó khăn, bền bỉ bám trường, bám lớp, thương yêu, giúp đỡ học sinh góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của giáo dục phổ thông đảm bảo ổn định vững chắc. Nhiều học sinh thực sự là tấm gương sáng trong học tập và rèn luyện; liên tục nhiều năm khẳng định thành tích xuất sắc qua các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đã thể hiện sự gắn kết giữa học và hành, giữa kiến thức đã học được trong nhà trường với các vấn đề thực tiễn mà cuộc sống đòi hỏi.
Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự tạo được động lực mạnh mẽ trong toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, coi đây là nhiệm vụ cơ bản nhằm cập nhật kiến thức mới, tích luỹ kinh nghiệm để đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học.
Các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động giáo dục, khai thác hiệu quả thiết bị và công nghệ; tổ chức cho giáo viên nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn bài giảng mang lại hiệu quả. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
5 năm qua, ngành GD-ĐT đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu 02 đề tài, Hội đồng Sáng kiến tỉnh công nhận 54 sáng kiến; Hội đồng sáng kiến ngành GD-ĐT công nhận 1.987 sáng kiến. Những đề tài và sáng kiến này đang được triển khai áp dụng có hiệu quả trong công tác quản lý và giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Phong trào thi đua yêu nước ngành GD-ĐT Yên Bái đã ghi đậm dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp tích cực trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Vì người nghèo – Giảm nghèo bền vững”; phong trào thi đua đặc biệt chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay “Ngành GD-ĐT chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19”…
Từ các phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, chất lượng GD-ĐT của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, ổn định và từng bước nâng cao; đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
Cô giáo Lục Thị Thu Hoài – Giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành:
Từ năm 2015 đến nay cô dìu dắt các thế hệ học sinh đạt 127 giải học sinh giỏi và 8 giải khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2019 của em Nguyễn Đình Hoàng. Qua nhiều năm tham gia dạy đội tuyển và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cô nhận thấy rằng để tạo được động lực phấn đấu cho học trò thì yếu tố tiên quyết chính là nhiệt huyết của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, từ đó truyền ngọn lửa đam mê và sự sáng tạo cho các em. Để có được ngọn lửa nhiệt huyết đó đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải luôn luôn tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong kỳ thi của giai đoạn hiện nay.
Thầy giáo Trần Huy Thụy – Giáo viên Trường THPT Mù Cang Chải:
Trong 5 năm qua, thầy Thụy đã hướng dẫn được 18 lượt học sinh tham gia nghiên cứu khoa học với 9 dự án dự thi trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia cùng nhiều giải thưởng khác. Theo thầy Thụy, thực hiện tốt việc hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ góp phần giúp học sinh làm chủ kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Duyên – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình:
Dù công tác ở cương vị nào, đơn vị nào từ xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đến xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, cô Duyên đều mong muốn làm sao để học sinh của mình được học tập trong ngôi trường an toàn và khang trang. Bởi vậy, cô luôn dành thời gian, tâm huyết vận động, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường nơi mình công tác. 15 năm gắn bó với nghề cô Duyên chưa bao giờ nản chí, chùn bước trước khó khăn mà luôn luôn tâm huyết hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.
Nguồn: baoyenbai.com.vn