Thời gian qua, các địa phương xin bổ sung thêm hàng chục cụm công nghiệp mới đã thể hiện sự hấp dẫn của Hải Dương trong con mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp mới cần được quản lý chặt chẽ.
Thị trường bất động sản công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang rất sôi động khi các địa phương đã có văn bản xin bổ sung trên 50 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Ngô Quyền (TP Hải Dương)
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đón làn sóng dịch chuyển sản xuất, tạo nên sự sôi động cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Nhiều đề xuất
Công ty TNHH Hòa Quần (Hà Nội) – chủ đầu tư cụm công nghiệp (CCN) Đoàn Tùng 2 (Thanh Miện) đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng CCN này. Theo lãnh đạo công ty, các nhà đầu tư thứ cấp hiện đang rất nóng ruột, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để họ có thể sớm xây dựng nhà xưởng sản xuất. Nhiều năm gắn bó với Hải Dương, đã kêu gọi hàng chục doanh nghiệp (DN) đầu tư vào một số CCN ở Ninh Giang, Thanh Miện… nên lãnh đạo công ty hiểu được sức hút của thị trường bất động sản công nghiệp. Bà Đào Thị Cầu, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Quần chia sẻ Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng ngày càng trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, xu thế dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư trên thế giới từ Trung Quốc về Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ngày càng rõ nét. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư hạ tầng các khu, CCN nhằm mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sau nhiều năm chỉ thực hiện kết nối, mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp, từ năm 2019 Công ty TNHH Hòa Quần đã quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng CCN để chủ động trong việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư.
UBND thị xã Kinh Môn đã có văn bản xin bổ sung 3 CCN là Thất Hùng, Bạch Đằng và Quang Trung vào quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo lãnh đạo UBND thị xã, việc bổ sung 3CCN này nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi diện tích đất cho sản xuất công nghiệp của thị xã ở 6 CCN đã xây dựng chỉ còn chưa đầy 50 ha. Với lợi thế về giao thông cả đường thủy và đường bộ, nhu cầu về đất cho phát triển công nghiệp trên địa bàn thị xã là rất lớn. Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Lê Văn Điền cho biết nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm tìm hiểu và có nhu cầu đầu tư vào thị xã với điều kiện phải có hạ tầng đồng bộ, mặt bằng sạch để xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, nhiều DN sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đón các nhà đầu tư thứ cấp.
Thị trường bất động sản công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự sôi động khi các huyện, thành phố, thị xã đã có văn bản xin bổ sung trên 50 CCN với tổng diện tích lên tới trên 3.000 ha. Nhiều CCN trong số đó đã có nhà đầu tư xin làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các DN trong và ngoài nước.
Đến nay, cụm công nghiệp Hồng Phúc-Hưng Long ở huyện Ninh Giang đã lấp đầy 100% diện tích. Trong ảnh: Công ty CP May Hải Anh ở cụm công nghiệp này có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, đang tạo việc làm cho khoảng 1.100 công nhân.
Cần lựa chọn đúng
Theo số liệu của Sở Công thương, Hải Dương đã thành lập 38 CCN, trong đó 32 CCN đang hoạt động với tổng diện tích 1.678,6 ha đất, thu hút 400 dự án đầu tư (tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.000 tỷ đồng). Tổng diện tích đã được chấp thuận cho thuê đạt trên 800 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 70%. Với việc các địa phương xin bổ sung thêm hàng chục CCN mới đã thể hiện sự sôi động của thị trường bất động sản công nghiệp cũng như sự hấp dẫn của Hải Dương trong con mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các CCN mới cần nhìn lại bài học từ sự phát triển các CCN một cách tự phát trong giai đoạn trước. Trong số các CCN đã thành lập, mới có 10 cụm có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chỉ 2 CCN đã đầu tư xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước. Đặc biệt, việc quản lý các CCN còn nhiều hạn chế. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không đúng mục tiêu của dự án, tự ý chuyển nhượng đất, không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên… còn phổ biến.
Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các CCN mới phải được triển khai một cách chặt chẽ. Các cơ quan chuyên môn cần thẩm định kỹ năng lực, uy tín các nhà đầu tư, tránh trường hợp giao cho những nhà đầu tư không đủ khả năng đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN dẫn đến việc không triển khai, triển khai chậm hoặc nhận chỗ rồi chuyển nhượng dự án kiếm lời. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, việc tạo nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng cũng cần sớm được tính đến. Việc hàng chục CCN mới nếu được chấp thuận, nhu cầu khoáng sản phục vụ san lấp mặt bằng là rất lớn. Nếu không được quy hoạch, quản lý chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc, gây thất thoát tài nguyên và ngân sách của Nhà nước. Hải Dương cũng cần có giải pháp thiết thực để chuẩn bị lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của các DN bởi thiếu lao động có tay nghề là rào cản không nhỏ trong kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến quyết định của DN khi đến tìm cơ hội đầu tư ở Hải Dương như hệ thống kho bãi, kho ngoại quan, khả năng cấp điện, nước, trung tâm thương mại, hội nghị, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cho công nhân… cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng.