Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 45 cây di sản đã được công nhận. Đây là những “danh mộc đại thụ” có tuổi đời hàng trăm đến hàng ngàn năm có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Thế những, hiện ở một số nơi, vấn đề bảo tồn cây di sản đang gặp nhiều khó khăn.
Cây Gạo di sản tại xã Tiên Du, huyện Phù Ninh nay chỉ còn trơ lại gốc cây sau khi bị đốn hạ.
Đã hơn một năm kể từ khi chính quyền xã Tiên Du, huyện Phù Ninh quyết định đốn hạ cây Gạo Chùa, ông Đỗ Trọng Lung ở khu 4 vẫn chưa hết buồn. Đối với ông Lung và dân làng thì cây Gạo có ý nghĩa thiêng liêng, là “linh hồn” song hành cùng lịch sử của mảnh đất này ngót nghét 500 năm. Cây Gạo Chùa được công nhận cây di sản Việt Nam năm 2018. Vừa đón nhận danh hiệu được khoảng vài tháng, cây bắt đầu có dấu hiệu khô héo, không đâm chồi, nẩy lộc, một số cành cây rơi gãy. Với lý do đảm bảo an toàn mùa mưa bão, chính quyền xã Tiên Du đã quyết định chặt hạ cây Gạo.
Ông Đỗ Trọng Lung nuối tiếc chỉ vào gốc cây trơ trọi bên tấm bia công nhận danh hiệu cây di sản.
Về lý do cây cổ thụ tồn tại suốt nhiều thế kỷ tự dưng khô héo, ông Đỗ Ngọc Bảo, trưởng khu 4 chia sẻ: “Quá trình thi công đường xá, nhà ở của con người cùng với việc không được chăm sóc đã ảnh hưởng khá nhiều đến bộ rễ của cây dẫn đến cây khô héo dần”. Tuy nhiên, ông Bảo cũng đặt câu hỏi: sao không thử cứu cây đã, không cứu được thì mới chặt chứ? Câu hỏi của ông Bảo cũng là nỗi lòng của rất nhiều người dân xã Tiên Du. Họ mong muốn sau này sẽ trồng một cây Gạo thay thế vào vị trí của cây cũ nhưng cũng phải mất hàng trăm năm nữa thì cây Gạo mới đạt được tầm vóc của cây di sản. Thực trạng trên cũng xảy ra với cây Sui 500 năm tuổi trên địa bàn xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Được công nhận cây di sản năm 2014, thời gian gần đây, cây có dấu hiệu khô héo, thiếu dưỡng chất . Do nằm trong khuôn viên trường học nên chính quyền xã đã tính đến phương án đốn hạ cây để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cây Táu bạc tại đền Thiên Cổ, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì khô héo sau khi bị sâu đục thân phá hoại.
Ông Nguyễn Ngọc Đoạn – ông Từ đền Thiên Cổ, Trưng Vương, thành phố Việt Trì, người trông nom đền và hai cây Táu có tuổi đời hơn 2000 năm thông tin: Cây Táu bạc bị khô héo do quá trình thi công đường xá và san lấp đất đai từ độ chục năm trước. Nhưng dân làng chúng tôi nhất định không cho chặt, phải mời bằng được nhà khoa học từ Hà Nội về xem xét để cứu cây. Nếu không có thái độ dứt khoát của người dân, thì cây táu đã không giữ được.
Sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cây Táu bạc lại nở hoa – dấu hiệu hồi sinh
Niềm tin và tình yêu của con người đối với hai cây di sản được thể hiện rõ ràng trên văn bia lập trong ngôi đền: “Gần 2.300 năm trôi qua, trải qua biến thiên binh lửa, nhân dân Hương Lan, nhân dân Lâu Thượng vẫn đời đời chăm sóc và khi cần, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để bảo tồn nguyên vẹn Đình, Miếu, Lăng mộ, hai cây táu quý – những di tích quý giá về nền học vấn thời đại Hùng Vương”. Sau nhiều nỗ lực cứu chữa, cây Táu bạc lại nở hoa, mùa hoa mới minh chứng cho một sức sống trường tồn.
Ông Bùi Phúc Khánh – Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết: “Trong số 45 cây di sản được công nhận trên địa bàn tỉnh, có 2 cây đã chết và bị chặt hạ, nhiều cây sức khỏe yếu. Nếu không có cơ chế chăm sóc đặc biệt, chúng ta sẽ khó giữ được những cây di sản này. Tuy nhiên, điều khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều địa phương không có kinh phí.”
Có lẽ chưa bao giờ, vấn đề bảo tồn thiên nhiên lại được con người chú trọng như hiện nay. Công nhận cây di sản là một trong những nỗ lực đóng góp vào sự đa dạng của hệ sinh thái của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Thế nhưng, công nhận thôi thì chưa đủ, chính quyền sở tại và các ngành chức năng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trong việc bảo vệ và gìn giữ những “danh mộc đại thụ”, vì đó là nhân chứng sống gắn bó mật thiết với văn hóa và lịch sử của các địa phương, việc công nhận cây di sản thật sự phát huy được hết ý nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là “khoác áo danh hiệu” như hiện nay.