Home / Giáo dục / Ðào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp

Ðào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp

Bên cạnh nâng cao chất lượng toàn diện, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ (CTUT) còn chú trọng tổ chức các hoạt động gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên CTUT trải nghiệm thực tế sản xuất tại doanh nghiệp. Ảnh do trường cung cấp.

Chương trình Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp – sinh viên năm 2020” do Khoa Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học của CTUT vừa tổ chức thu hút hàng trăm sinh viên đến dự. Ðại diện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản… đã chia sẻ những kinh nghiệm của đơn vị trong quá trình hoạt động kinh doanh, các yếu tố dẫn đến thành công; nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay. Theo họ, có nhiều yếu tố để sinh viên thuyết phục được nhà tuyển dụng. Ðó là ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn cần có các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp… Những kỹ năng sẽ tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, bởi đó là “chìa khóa” để doanh nghiệp mở cánh cửa hội nhập hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, sinh viên cũng trải nghiệm thực hành phỏng vấn thử, với nhiều ý kiến nhận xét, những kinh nghiệm hay về tác phong, thái độ, cách trả lời phỏng vấn… của các chuyên gia tuyển dụng nhân sự từ các doanh nghiệp. Bạn Nguyễn Thu Hoài, sinh viên năm thứ ba tại CTUT, cho biết: Chương trình tọa đàm giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp; đồng thời còn giúp bản thân nhìn nhận những thiếu sót để rèn luyện thêm, quan trọng là cách “ghi điểm” với nhà tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường.

Qua 2 lần tổ chức, hoạt động Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp – sinh viên năm 2020” đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo “cầu nối” gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Theo Ban Giám hiệu CTUT, thông qua chương trình giúp nhà trường nắm bắt kịp thời nhu cầu thực tế của người học, tiêu chí tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Năm 2020, trường tuyển sinh gần 1.000 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo, trong đó có 3 ngành lần đầu tiên được mở ở vùng ÐBSCL: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu và Công nghệ kỹ thuật năng lượng. Trong buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đã thông tin kế hoạch tuyển dụng với hơn 1.000 vị trí việc làm trong và ngoài nước, như kiểm tra chất lượng sản phẩm, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới… Các doanh nghiệp cam kết sẽ tiếp nhận 100% sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học cũng như các sinh viên ở tất cả các ngành do trường đào tạo sau khi tốt nghiệp.

Thành lập từ tháng 1-2013 theo Quyết định số 249/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, CTUT hiện có quy mô đào tạo gần 4.000 sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%. Hằng năm, công tác tuyển sinh của CTUT luôn giữ ổn định, đạt chỉ tiêu. Ðó là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài chương trình tọa đàm, CTUT và các khoa trực thuộc còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác, như: chương trình giao lưu giữa Ban Giám hiệu và sinh viên, doanh nghiệp và sinh viên; Ngày hội việc làm sinh viên…

Theo Tiến sĩ Ðỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng trường CTUT, với phương châm lý thuyết đi đôi với ứng dụng thực tiễn, trường luôn thực hiện công tác đào tạo gắn kết với doanh nghiệp. Cô Tuyết Nhung chia sẻ: “Chương trình “Kết nối doanh nghiệp – sinh viên” là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược của CTUT trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm cho sinh viên, tăng cường phát triển hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Từ đó, mở ra cơ hội học tập, rèn luyện cho sinh viên trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Qua các hoạt động này còn giúp trường bổ sung, cập nhật những điểm mới vào chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo”.

Hơn 7 năm thành lập, CTUT hiện có 2 cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở 1 (đường Nguyễn Văn Cừ) được đầu tư hàng tỉ đồng để hiện đại hóa trang thiết bị thực hành, thực tập, phục vụ sinh viên, giảng viên. Trường có gần 200 cán bộ công nhân viên chức, với trên 90% viên chức, giảng viên của trường đạt trình độ sau đại học, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy học. CTUT đã và đang đẩy mạnh nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành phục vụ giảng dạy ngày một tốt hơn, đáp ứng thị trường lao động.

Nguồn: baocantho.com.vn