Ngày 11/07/2020; Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức chương trình Tư vấn sức khỏe và tầm soát tháng 07/2020, với chủ đề “Chăm sóc tai mũi họng và mắt hằng ngày trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em”.
Đây là chương trình được báo cáo hàng tháng của Phòng Khám nhưng do dịch Covid-19 đã tạm ngưng, với chủ đề tháng 07/2020; có sự tham giá của 02 báo cáo viên là TS. BS Nguyễn Nam Hà -Trưởng phòng khám Tai – Mũi – Họng Phòng khám Đa khoa trường Đaị Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ThS. BSCK2 Trịnh Quang Trí – Trưởng phòng Mắt Phòng khám Đa khoa trường Đaị Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ở phần trình bày của ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí đã đề cập đến “Tật Khúc xạ ở trẻ em – Những điều cần lưu ý”.
Trong những năm gần đây, tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng về mức độ và số lượng các trường hợp bị mắc phải. Theo Nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới dự báo đến năm 2050, ước tính có 49,8% dân số thế giới, tức hơn 04 tỷ người có thể mắc tật cận thị.
Điều đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao sẽ dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần 01 tỷ người trong số này. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao sẽ có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới. Không ít chuyên gia đã cảnh báo, việc trẻ mắc phải các bệnh về mắt trong đó có tật khúc xạ có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ nhỏ, khiến cho các hoạt động sinh hoạt của trẻ hằng ngày trở nên khó khăn hơn. Bệnh về mắt ở trẻ em có khá nhiều nguyên nhân và diễn biến bệnh phức tạp. Vì cơ chế chức năng hoạt động của mắt còn khá non nớt nên cha mẹ cần chú ý trong việc theo dõi và chăm sóc bé. Nếu các bậc phụ huynh không theo dõi kỹ và phát hiện sớm tình trạng bệnh của bé sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh, dễ làm cho thị lực bị ảnh hưởng nặng khi trưởng thành, nên khám mắt định kỳ 06 tháng.01 lần tại các bệnh viện chuyên khoa để phát hiện các bệnh về mắt ở trẻ em, các bệnh đau mắt ở trẻ em và chọn các thức ăn tốt cho mắt như: cà rốt, cà chua, khoai lang, rau lá xanh, trứng…
Tại chương trình truyền thông và tầm soát của Phòng khám; TS. BS. Nguyễn Nam Hà còn trình bày chuyên đề “Chăm sóc tai mũi họng hằng ngày dự phòng lây nhiễm bệnh viêm hô hấp cấp trong trường học” và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Viêm đường hô hấp cấp tính là một căn bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Bệnh thường ảnh hưởng đến các bộ phận của đường hô hấp, bao gồm: mũi, xoang, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế nang. Viêm đường hô hấp cấp tính phần lớn là do virus gây ra và là hệ quả của các bệnh viêm mũi cấp tính, viêm họng cấp tính…Thường thì viêm hô hấp cấp thì không chừa một ai nhưng trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ miễn dịch của họ thường dễ bị virus tấn công.
Hiện nay môi trường sống của chúng bị tác động quá nhiều, các loại virus – vi khuẩn như: cúm, sởi, tụ cầu, phế cầu, liên cầu…Nguy hiểm nhất là loại liên cầu khuẩn nhóm A, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ rất dễ gây nên những biến chứng như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, viêm màng tim.
Trẻ thường rất hiếu động và chưa ý thức được việc tư chăm sóc sức khỏe của bản thân. Vì vậy, nếu ba mẹ không quan tâm và nhắc nhở thường xuyên, những thói quen sinh hoạt không tốt của sẽ rất dễ gây ra các bệnh tai mũi họng. Đôi khi chúng ta dùng nước lạnh khi tắm hoặc ngâm mình trong nước quá lâu sẽ khiến trẻ bị nhiễm lạnh, tắm ngay sau khi vận động, vui chơi ra nhiều mồ hôi sẽ khiến trẻ bị cảm…Nếu không có một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ sẽ suy giảm, không thể chống lại được các tác nhân gây hại từ môi trường. Ngoài ra, việc ăn các thực phẩm kém vệ sinh hay uống quá nhiều nước lạnh cũng có thể gây ra bệnh tai mũi họng ở trẻ.
Chương trình Tư vấn sức khỏe và tầm soát của Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, được tổ chức định kỳ hàng tháng, mỗi tháng một chủ đề khác nhau. Với chủ đề tháng 07/2020, Phòng khám hướng tới sự an toàn cho các em học sinh trong môi trường học đường, mong muốn giúp phòng ngừa và giảm thiểu đến mức thấp nhất các bệnh về mắt và tai mũi họng cho các em.