Home / Bất động sản / Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc chính sách

Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc chính sách

Ảnh hưởng từ bệnh dịch, vướng mắc về chính sách khi tồn tại những bất cập, chồng chéo của luật đang là khó khăn của thị trường bất động sản.

Trong 6 tháng, phân khúc văn phòng không có nguồn cung mới

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 2 năm 2020, nguồn cung bất động căn hộ có sự sụt giảm đáng kể so với quý 1. Tuy nhiên, lượng hấp thụ có sự gia tăng trong quý, đây là điều khá tích cực.

“Nguồn cung tham gia vào quý 1 và quý 2 phần lớn nằm ở khu vực ngoài trung tâm. Điều đó thể hiện quỹ đất trung tâm thành phố đang cạn, quỹ đất ở ngoài trung tâm đang được tận dụng. Đặc biệt, sau thời điểm Covid-19, lượng người mua nhà ở nhu cầu thực tế đang cân nhắc, tích cực tham gia vào thị trường. Xu hướng về giá, chủ đầu tư không có xu hướng giảm giá, tuy nhiên đã có những chính sách hỗ trợ người mua” – bà Khanh đánh giá.

Về nguồn cung văn phòng, 6 tháng đầu năm không có nguồn cung mới, một số dự án dự kiến hoàn thành trong quý 2, tuy nhiên đã bị trễ do ảnh hưởng của Covid-19 và dự kiến những tháng cuối năm nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể. Khách thuê có nhu cầu về không gian văn phòng hạng A đang rất lớn, công suất lấp đầy hạng B, hạng A đang có tín hiệu tốt.

Vướng mắc chính sách là khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản.

“Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại, do hiện tại việc hạn chế di chuyển và nhà đầu tư có xu hướng đánh giá danh mục đầu tư của họ. Dự kiến nếu dịch Covid-19 được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm” – bà Nguyễn Thị Vân Khanh nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, bất động sản vẫn là kênh vẫn có nhu cầu cao trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán rút tiền ra và có thể sẽ chuyển hướng sang bất động sản, bởi họ không có nhiều sự lựa chọn, trong bối cảnh thị trường vàng trồi sụt thất thường còn bất động sản có mức độ kỳ vọng tăng giá tốt hơn.

“6 tháng tới vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn nhưng giá bất động sản khó giảm sâu, chỉ dưới mức 5%. Do đó, nhà đầu tư bất động sản cần xác định đầu tư dài hạn để có biên độ tăng giá tốt hơn, còn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh” – ông Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Khó khăn từ chính sách cản trở lớn nhất

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, ngoài những khó khăn thị trường do dịch bệnh, các doanh nghiệp mong chờ các cơ chế chính sách tháo gỡ những bất cập hiện nay. Nhưng các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ thì lại nhiều khi vấp phải những quy định mới thành ra lại gây khó khăn.

“Vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác. Hay những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn… Chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới” – ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khi chuẩn bị dự án chủ đầu tư cũng có tính toán những chi phí để huy động. Nhưng khi văn bản mới có tăng chi phí lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó… Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách.

Trên thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp. Đôi khi có văn bản ban hành nhưng để kiến nghị thì thời gian rất lâu. Có văn bản hiệp hội môi giới bất động sản thực hiện kiến nghị cho doanh nghiệp như khoản 3.8 nghị định 20 cũng mất 2 năm mới được ban hành. Còn nhiều kiến nghị như condotel hay bất động sản du lịch cũng mất nhiều thời gian kiến nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 hiện nay như giảm lãi suất, chậm nộp kéo dài khoảng 12 tháng  hay tạm hoãn việc ký quỹ để cho phép dự án đầu tư. Đặc biệt là hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án đất thì phải đấu thầu, đấu giá… Những thông tin này cần có những hướng dẫn cụ thể hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là gỡ rối cơ chế chính sách. Các dự án vì sao ách tắc?

“Về Luật Quy hoạch vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp “bó tay” – ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Luật Đất Đai và Luật Quy hoạch, các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan hai luật này. Do đó, kiến nghị khi xây dựng, sửa đổi luật có mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết thêm./.

Nguồn: vov.vn