Chiều ngày 16/07/2020; trong khuôn khổ của Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2020, diễn ra từ 16 – 19/07, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc tại TP.HCM, với chủ đề “Vĩnh Phúc – điểm đến ấn tượng, an toàn”.
Vĩnh Phúc nằm giáp ranh với thủ đô Hà Nội, với diện tích tự nhiên là 1.231 km2, gồm 9 huyện -thành phố, dân số hơn một triệu người. Vĩnh Phúc còn gắn với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch. Vĩnh Phúc còn có nút giao thông lên xuống với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dễ dàng kết nối tuyến du lịch với các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai. Đây là những tuyến giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu giao thương vận chuyển hàng hóa, vận chuyển khách du lịch, giúp Vĩnh Phúc dễ dàng thu hút khách nội địa và quốc tế.

Vĩnh Phúc được đánh giá giá là dùng đất vàng cho phát triển du lịch; nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa lý- văn hóa miền núi, Trung du Tây bắc xuống đồng bằng Đông nam châu thổ sông Hồng. Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc 03 vùng cảnh quan là: miền núi, Trung du, đồng bằng. Có dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh, nơi có khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng với khí hậu và cảnh quan lý tưởng được ví như Đà Lạt của miền Bắc, vườn quốc gia Tam Đảo – điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu. Dòng sông Lô ôm vòng về phía Tây của tỉnh, với huyền thoại một thời chống Pháp, cùng nhiều dấu tích tụ Thủy xen lẫn gò đồi như: Đầm Vạc, hồ làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng…Sáng Sơn, Thanh Lâm, Ngọc Bội, Thằn Lằn, tạo nên cảnh trí non nước hữu tình. Thiên nhiên đã tạo cho riêng Vĩnh Phúc một chỉnh thể “núi bọc sông bao, sơn kỳ Thủy Tú”.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.303 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 499 di tích được xếp hạng và 03 di tích quốc gia đặc biệt là: khu di tích danh thắng Tây Thiên, di tích quốc gia kiến trúc nghệ thuật Bình Sơn, đình Thổ Tang.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 là nghề truyền thống; với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như: mây tre đan Triệu Đề -huyện Lập Thạch, gốm Hương Canh – Bình Xuyên, mật ong ba kích – Tam Đảo, các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn – Vĩnh Tường.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 410 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 7.500 buồn đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch, trong đó có 04 khách sạn 05 sao, Vĩnh Phúc có 13 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động kinh doanh lữ Hành hành, trong đó có 04 công ty lữ hành quốc tế.
Năm 2018 tổng lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc đạt 5,2 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2017, năm 2019 đạt 6,1 triệu lượt khách tăng 14% so với năm 2018.
Thế nhưng tại hội nghị; có nhiều doanh nghiệp lữ hành, các Hiệp hội Du lịch…biết khá ít về tiềm năng du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Về phía lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận là thời gian qua còn yếu trong khâu truyền thông cho du lịch Vĩnh Phúc.
Tại hội nghị lần này, mục đích là giới thiệu quảng bá điểm đến và các sản phẩm du lịch dịch vụ ấn tượng- an toàn của tỉnh với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong cả nước, các nhà đầu tư tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ tập trung khai thác thị trường trọng điểm tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, góp phần tăng cường tăng trưởng khách nội địa một cách bền vững.