“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là 1 trong 3 phong trào lớn của tổ chức hội nông dân, đồng thời là nội dung thi đua quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động của tổ chức hội.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, có trên 75% dân số là nông dân, Lào Cai luôn coi trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần Lào Cai thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định:Phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Hằng năm, tỉnh tập trung ưu tiên 60 – 65% nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Trong 5 năm (2015 – 2020), phong trào đã tạo sức lôi cuốn, lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ hội viên, nông dân vươn lên thi đua lao động, sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) chỉ đạo hội nông dân các cấp chủ động, tích cực vào cuộc, hằng năm giao chỉ tiêu vận động, phát động để cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký thi đua thực hiện các tiêu chí phong trào, đồng thời phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giống, vốn, vật tư, liên kết sản xuất; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu với nông dân để nêu gương ý chí quyết tâm làm giàu; tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn với nông dân… Hằng năm, các địa phương tổ chức bình xét thi đua công khai, dân chủ, quyết định ghi danh bằng quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp…
Các thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển các nông sản hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, giúp nông dân thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các thành viên Ban Chỉ đạo, hằng năm, toàn tỉnh có hơn 30 nghìn hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, đạt bình quân trên 26% số hộ nông nghiệp, nông thôn. Năm 2020, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cuối năm 2019, qua điều tra, thống kê, thông qua bình xét từ thôn, tổ dân phố, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã bình xét, suy tôn 15.793 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 521 hộ so với năm 2015, chiếm 12,74% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn, tăng gấp 17 lần so với kỳ tổng kết lần thứ nhất năm 1992.
Kết quả của phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội chung của Lào Cai, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, tạo bước đột phá, chuyển biến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hộ sản xuất giỏi luôn là những tấm gương đi đầu,góp phần thay đổi tư duy của các hộ dân về sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trên cơ sở những kết quả đạt được của giai đoạn 2015 – 2020 và yêu cầu thực tế đặt ra trong giai đoạn 2020 – 2025, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tỉnh cần có sự đột phá, tăng về số lượng và chất lượng. Phấn đấu nâng tỷ lệ hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp lên trên 15% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn vào năm 2025 (tăng tương đương 2.800 hộ); trên 60% hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi cấp tỉnh và cấp trung ương có mô hình sản xuất được tập huấn, hướng dẫn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản vùng, liên vùng theo hình thức kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để đạt được mục tiêu này, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và các tổ chức thành viên mặt trận tổ quốc. Tăng cường công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nêu các gương điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và nông dân về phong trào thi đua giai đoạn 2020 – 2025.
Mô hình trồng hoa tại thị xã Sa Pa
Đề xuất ban hành, bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp khi nông nghiệp tham gia hội nhập sâu, tự do, nhất là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, tập trung, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quan tâm chính sách đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến, chuyển giao giống mới, mở rộng sản xuất, thu hút đông lao động tham gia sản xuất hàng nông sản chất lượng cao.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo liên kết trong sản xuất, hỗ trợ hình thành, sắp xếp lại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn hình thức tổ chức sản xuất các hợp tác xã, đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động hình thức kinh tế tập thể, các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường phối hợp giữa thành viên Ban Chỉ đạo, giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tổ chức hỗ trợ nông dân, như chuyển giao kỹ thuật, giống, vốn, dạy nghề và giới thiệu việc làm, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; phối hợp quy hoạch đất, vùng sản xuất; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, đối thoại giữa nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nông dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu gia tăng chuỗi giá trị, cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương nhằm không ngừng nâng cao đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
Gắn phong trào thi đua với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân, nông thôn…