Các quan chức Nga tiết lộ với hãng tin của Hoa Kỳ rằng, nước này đang làm việc để hướng tới thời điểm ngày 10/8, thậm chí sớm hơn để phê chuẩn vaccine ngừa Covid-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại Moscow phát triển. Chế phẩm sẽ được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng và ưu tiên chuyển đến các nhân viên y tế tuyến đầu.
Ông Kirill Dmitriev, nhà tài trợ cho công tác điều chế vaccine của Nga, so sánh sự kiện này với khoảnh khắc Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik, vệ tinh đầu tiên trên thế giới, vào năm 1957. Ông Dmitriev tuyên bố: “Nga sẽ là nước tiên phong trong lĩnh vực điều chế vaccine. Nga từng cung cấp vaccine chống Ebola và MERS, vốn là giải pháp an toàn, hiệu quả cho thế giới”.
Các nhà khoa học Nga cho biết thêm, vaccine được điều chế nhanh chóng dựa trên phiên bản sửa đổi của một loại vaccine khác. Đây cũng là phương pháp phát triển vaccine phổ biến ở nhiều công ty dược phẩm trên thế giới. Tuy nhiên, những thông tin về dữ liệu khoa học liên quan tới quá trình thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của Nga vẫn chưa được công bố.
Theo CNN, trong khi một số vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm 3, vaccine của Nga vẫn chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm 2. Các nhà phát triển dự kiến hoàn tất giai đoạn thử nghiệm này vào ngày 3/8, sau đó triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 song song với tiêm chủng cho nhân viên y tế.
Hiện nay, các thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 với quy mô lớn đang được triển khai ở Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và một số quốc gia khác, nhưng không có cam kết nào về thời điểm vaccine sẽ được phê duyệt.
Tại Hoa Kỳ, hôm 27/7 vừa qua, hãng dược Moderna, đơn vị sở hữu vaccine Covid-19 tiềm năng được chính phủ Mỹ cấp ngân sách hỗ trợ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3. Moderna cũng chế tạo vaccine ngừa Covid-19 dựa trên một loại vaccine vốn được phát triển để ngừa virus gây MERS.
Tuần trước, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ chi trả 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech (Đức) nếu vaccine này an toàn và hiệu quả.
Ngày 21/7, vaccine CoronaVac được phát triển bởi công ty dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) và Viện Butantan (Brazil) cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người với quy mô lớn. Khoảng 90.000 nhân viên y tế trên khắp 6 tiểu bang ở Brazil sẽ nhận được vaccine này với 2 liều trong 3 tháng tới. Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria cho hay, nếu vaccine chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, viện Butantan sẽ sản xuất 120 triệu liều theo thỏa thuận.
Nga đang nỗ lực để phê duyệt một loại vaccine chống Covid-19 trước ngày 10/8.
Trước đó, ngày 20/7, tạp chí Khoa học The Lancet có trụ sở ở London, New York và Bắc Kinh đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của vaccine ngừa Covid-19 do Đại học Oxford (Anh) và công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển.
Kết quả cho thấy vaccine này không gây ra các lo ngại ban đầu về sự an toàn, đồng thời tạo được ra phản ứng miễn dịch mạnh ở cả hai hướng của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục chương trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xác nhận điều này ở người.
Trong khi đó, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hồi đầu tháng 7 rằng, để có vaccine ngừa Covid-19 vẫn còn “một chặng đường dài”.
Theo/phunuvietnam.vn-nguồn: CNN, TASS