Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 83 liên kết sản xuất với quy mô 9.798 ha, trong đó hình thức liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hộ chiếm gần 50%, giá trị sản phẩm của các mô hình liên kết cao hơn từ 10% đến 20% so với sản xuất truyền thống; có 79/83 chuỗi sản phẩm nông nghiệp được kiểm soát an toàn thông qua kết nối các chuỗi cung ứng. Nhiều chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt, sản lượng nhiều, mang đặc trưng của Lào Cai đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường, được người tiêu dùng của nhiều tỉnh, thành phố ưa chuộng, như rau ôn đới, tương ớt Mường Khương, chè, cá nước lạnh, gạo Séng cù, mật ong, chuối…
Liên kết trồng rau bắp cải tại Mường Khương.
Gần chục năm nay, nhiều hộ trên địa bàn các xã Trịnh Tường, Cốc Mỳ (Bát Xát) liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Bằng trồng chuối xuất khẩu theo chu kỳ khép kín. Theo hình thức liên kết này, phía công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông để bọc quả, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người dân góp đất, trồng, chăm sóc, quản lý, thu hoạch theo quy trình sản xuất của công ty và thực hiện đúng cam kết trồng chuối trong vòng 7 năm với công ty, doanh thu từ bán chuối được chia đôi sau mỗi vụ thu hoạch.
Anh Hoàng Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Hoàng Bằng, xã Trịnh Tường (Bát Xát) cho biết: Trước đây, chúng tôi phải xuất khẩu chuối “qua tay” một số doanh nghiệp khác hoặc chỉ xuất qua đường tiểu ngạch nên giá bán thường bấp bênh. Từ khi vùng trồng chuối của công ty được cấp mã số và xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm được xuất với số lượng lớn, giá bán ổn định và cao hơn khoảng 20% – 30% so với trước. Nhờ liên kết chặt chẽ với các hộ, chúng tôi đã xây dựng được vùng chuối nguyên liệu hơn 200 ha, hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng phát triển, thu nhập của người dân cũng được nâng cao.
Còn nhiều khó khăn
Bước đầu, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã tạo chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường; nhiều hộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện các chuỗi liên kết còn nhiều hạn chế, bất cập khiến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản thiếu ổn định, vẫn xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng thao túng thị trường, phá vỡ các liên kết; tình trạng doanh nghiệp ép giá hoặc người dân không thực hiện đúng cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp vẫn còn.
Liên kết trồng, tiêu thụ chuối giữa doanh nghiệp với người dân tại huyện Bát Xát.
Đơn cử như liên kết về sản xuất và tiêu thụ quế hữu cơ giữa Công ty hương gia vị Sơn Hà (nhà máy chế biến tại Yên Bái) và người trồng quế xã Nậm Đét (Bắc Hà). Theo thỏa thuận, công ty tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất quế hữu cơ, đồng thời thực hiện các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quế hữu cơ cho từng hộ. Tuy nhiên, vào vụ quế tháng 8/2019, nhiều hộ bị tư thương lôi kéo bán quế cho họ với giá cao hơn (từ 1 đến 2 giá so với giá thị trường) nên đã không bán sản phẩm cho doanh nghiệp theo thỏa thuận. Sau khi doanh nghiệp về, tư thương lại hạ xuống 4 – 5 giá, thấp hơn mức giá mà doanh nghiệp và hộ đã ký kết. Hành động của các tư thương nhằm phá vỡ các chuỗi liên kết trong tiêu thụ để thao túng thị trường giá cả. Sau sự việc này, bà Triệu Thị Mắn, thành viên Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét cho rằng: Nếu chỉ làm ăn riêng lẻ mà không chịu liên kết, chia sẻ trách nhiệm với nhau thì sẽ rất khó trụ vững trong cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, sự tham gia “4 nhà” trong quy trình liên kết cũng chưa toàn diện. Việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích trong các liên kết chủ yếu một chiều khiến hình thức liên kết thiếu bền vững. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho rằng, phần lớn người trồng chè trên địa bàn huyện đang phải chịu cảnh “ăn trước, trả sau”, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến kỳ thu hoạch, sau khi trừ phần đã ứng, phần còn lại các hộ mới được hưởng nên gần như người dân không có sự lựa chọn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết, tiêu thụ sản phẩm chè khi đến kỳ xuất bán. Nên chăng, trong chuỗi liên kết này, người dân được chủ động ngay từ khâu chọn giống, chọn nhà cung ứng vật tư, được thỏa thuận giá bán và phân cấp sản phẩm… và đây mới thật sự là liên kết hiệu quả.
Cần giải pháp tháo gỡ
Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết “4 nhà”; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
Về phía các địa phương, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng, phục vụ sản xuất; phối hợp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tăng cường liên kết đưa giống cây, con mới, năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn để doanh nghiệp, tổ chức và người dân nhân rộng; gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài tỉnh…
Ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực để giúp họ thực hiện các chuỗi liên kết; trách nhiệm, quyền lợi và lợi ích của các bên cũng cần được chú trọng, có như vậy các chuỗi liên kết sẽ được thực hiện hiệu quả, bền vững.