Ở tuổi 1010, Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, lại vừa là một đô thị hiện đại, năng động. Trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay, thành phố đang định vị lại những đường hướng phát triển. Yếu tố sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa, trở thành một trong những động lực phát triển. Với bề dày truyền thống, Hà Nội có đặc trưng riêng trong xây dựng thành phố sáng tạo: Đó là sự kết nối quá khứ vào tương lai.
Nhờ có sự sáng tạo trong sản xuất, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Đỗ Tâm
Bài đầu: Từ bề sâu văn hóa
Đã có khoảng thời gian chúng ta quay quắt lo lắng về câu chuyện bảo tồn, nhưng văn hóa Hà Nội vẫn có sức sống nội sinh mạnh mẽ. Điều ấy tạo nên sự thích ứng, sự sáng tạo để phù hợp với nhu cầu cuộc sống, phù hợp với thời đại và là thế mạnh khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo đà cho Hà Nội bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, song song phát triển các nguồn lực văn hóa mới.
Sản phẩm mây tre đan đã quen thuộc với hầu hết mọi người. Nhưng đến “xứ mây tre đan” Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), nhiều người không khỏi ngạc nhiên về thế giới sản phẩm của làng nghề. Mây tre xuất hiện trong các phòng khách sang trọng, với những lọ hoa, bình hoa và cả những bức tranh phong cảnh, cỏ cây… Mây tre “đi” vào phòng ngủ, nhiều nhất là các loại chụp đèn, lồng đèn… Mây tre ứng dụng cả vào thời trang, với túi xách, khuyên tai, vòng, lắc, khung gương… Đó mới chỉ là xét về chủng loại sản phẩm, trong khi mỗi chủng loại sản phẩm lại có hàng chục, hàng trăm mẫu mã. Không nói quá khi nhận định rằng, với nguyên liệu mây tre, người Phú Vinh có thể đan… cả thế giới! Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã có mặt ở nhiều nơi, từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, đến châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha…, và còn tìm đường sang cả châu Mỹ.
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh có tuổi đời khoảng 400 năm. Xưa kia, làng nghề chủ yếu đan lát dụng cụ lao động, đồ dùng gia đình. Nhưng nếu cứ “đứng yên” như vậy hẳn làng nghề đã mai một từ lâu lắm. Sự sáng tạo chính là hơi thở của làng. Sáng tạo để thích ứng với cuộc sống, khi nhiều dụng cụ lao động, đồ dùng gia đình làm từ nguyên liệu mây tre đã đi vào dĩ vãng, và sáng tạo để chinh phục thế giới. Những dòng sản phẩm mới lần lượt ra đời, nhất là những sản phẩm giàu tính nghệ thuật trên nền của lối đan, cách thức xử lý nguyên vật liệu, cách nhuộm màu kế thừa từ truyền thống cha ông để lại.
So với làng nghề Phú Vinh có tuổi đời mấy thế kỷ thì vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ mới chỉ ra đời cách đây vài năm. Thế nhưng, ngay lập tức vở diễn đã trở thành một thương hiệu văn hóa Hà Nội. Điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn của Tinh hoa Bắc Bộ? Sân khấu mặt nước rộng đến mấy nghìn mét vuông, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo nên những hiệu ứng kỳ ảo, dàn diễn viên hàng trăm người… chỉ là một phần.
Cái hay của vở diễn là rút tỉa những nét đặc sắc nhất của cuộc sống thôn quê, của văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ, để đem đến cho người xem những trải nghiệm thú vị. Với người gắn bó với văn hóa Bắc Bộ, đó là cảm giác “vừa quen, vừa lạ”, cảm giác tự hào khi văn hóa làng quê được nâng tầm. Với người lần đầu tiếp cận, đó là sự mới mẻ, hấp dẫn đến mê hoặc.
Dường như không có điểm chung nào khi nói về câu chuyện của một làng nghề và một vở diễn nghệ thuật. Nhưng sự thực không phải thế. Dù khác biệt rất lớn, nhưng điểm chung của hai thương hiệu văn hóa này là sự kế thừa, phát huy truyền thống. Nói theo ngôn ngữ đương đại, đó chính là quá trình sáng tạo văn hóa.
Mảnh đất nghìn năm Thăng Long – Hà Nội có một kho tàng văn hóa đồ sộ với 5.922 di tích, 1.783 di sản văn hóa phi vật thể và khoảng 1.350 làng nghề. Những di tích như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu phố cổ Hà Nội… không chỉ nổi danh trong nước mà còn được khẳng định ở tầm quốc tế. Nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa cao như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, quạt Chàng Sơn…
Trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn coi văn hóa là một trong những trụ cột của các chính sách phát triển. Điều này thể hiện bằng việc thành phố triển khai Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04) qua nhiều nhiệm kỳ.
Chương trình 04 được cụ thể hóa bằng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể, phi vật thể, giá trị làng nghề, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, đưa vào khai thác phát triển kinh tế, du lịch. Trên nền truyền thống, các giá trị văn hóa được sáng tạo để thích ứng, phát triển. Thành phố cũng tạo điều kiện cho hàng loạt không gian sáng tạo ra đời. Đó có thể là những không gian sáng tạo do chính quyền chủ trì như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, hay những không gian sáng tạo được tạo ra bởi yếu tố xã hội hóa. Những biện pháp này phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới.
Năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra đời nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố cùng đưa sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển bền vững. Các thành phố tham gia mạng lưới đều coi trọng sáng tạo văn hóa, phát triển nguồn lực văn hóa. Còn nhớ, ngay khi xây dựng hồ sơ, các chuyên gia trong nước, quốc tế đều nhận định: Hà Nội có đầy đủ tiêu chí là một Thành phố sáng tạo. Việc UNESCO ghi danh, chỉ là vấn đề thời gian. Quả thực, chỉ vài tháng sau khi nộp hồ sơ, tin vui khi UNESCO công bố, Hà Nội chính thức tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.
Trong quá trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội, những năm gần đây, có hai dấu ấn lớn về hội nhập, giao lưu quốc tế. Đó là danh hiệu Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng năm 1999. Tròn 20 năm sau ngày được công nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội lại được công nhận là Thành phố sáng tạo. Đó là một khởi đầu cho một tiến trình mới.
Hà Nội đang gặp phải không ít vấn đề về đô thị: Mật độ dân số cao dẫn đến quá tải về hạ tầng; Hà Nội vẫn còn nhiều ngành kinh tế “thô”, sử dụng nhiều nguyên vật liệu tự nhiên, giá trị gia tăng từ lao động chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; công nghiệp văn hóa mới bước đầu phát triển. Song, với định hướng lấy sáng tạo văn hóa làm yếu tố trung tâm, hướng tới sự phát triển bền vững là bước chuyển dịch về tư duy. Với Hà Nội, đó là nhiệm vụ kế thừa, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, khơi nguồn những lĩnh vực mới trong hoạt động sáng tạo, biến văn hóa thành các giá trị kinh tế để phát triển. Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, xúc tiến trao đổi văn hóa, du lịch, kinh nghiệm phát triển với các thành phố sáng tạo khác. Cơ hội đã mở ra. Và giờ chính là lúc chúng ta biến văn hóa trở thành nguồn lực phát triển.