Home / Kinh tế / Cần “cuộc cách mạng” trên cây nhãn

Cần “cuộc cách mạng” trên cây nhãn

Năm 2020, người trồng nhãn được mùa lớn, quả sai, không sâu bệnh gây hại, chất lượng và mẫu mã đều tốt hơn nhiều năm khác. Được mùa cây ăn quả nhưng không ít hộ ở vùng trọng điểm nhãn của tỉnh là huyện Bảo Thắng không vui vì hầu hết cho rằng bị “mất mùa giá”. Tuy nhiên, chất lượng quả nhãn địa phương bị lép vế trên thị trường mới là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Một “cuộc cách mạng” trên cây nhãn Bảo Thắng là đòi hỏi ngày càng rõ ràng nếu sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Hoàn, thôn Na Ó, xã Xuân Quang giới thiệu cây nhãn ghép giống mới của gia đình trồng năm 2017.

Khoảng năm 1985, ông Nguyễn Hữu Hoàn (sinh năm 1953, trú tại thôn Na Ó, xã Xuân Quang) về quê ở tỉnh Hà Nam mang một số cây nhãn lên Bảo Thắng trồng thử. Cây hợp đất, chỉ sau vài năm đã cho thu hoạch. Thi thoảng có năm mất mùa nhưng trong hơn 30 năm qua, năm nào gia đình ông Hoàn cũng được thu hoạch nhãn. Dẫn chúng tôi thăm vài cây nhãn cổ sau nhà đến nay đã lớn cỡ 2 người ôm, ông Hoàn nhớ lại thời kỳ “hoàng kim” của nhãn Xuân Quang cách đây khoảng 10 năm. Đó là những năm quả nhãn nơi đây nổi tiếng ngon, ngọt, được thương lái tới đặt mua từ lúc cây ra hoa và khi thu hoạch được chở thẳng về Hà Nội tiêu thụ.

Nhưng cách đây khoảng chục năm, giống nhãn truyền thống với cây cổ thụ có đặc tính quả nhỏ, mẫu mã thiếu bắt mắt nên ông Hoàn chuyển sang trồng 100 cây nhãn ghép. Đến nay, gần như toàn bộ số nhãn ghép đã cho quả, có cây cho sản lượng hàng tạ quả dù mới 5 năm tuổi. Năm 2019, ông Hoàn thu hoạch được 1 tấn nhãn, bán với giá 25 nghìn đồng/kg, thu về 25 triệu đồng. Năm nay dự kiến sản lượng đạt 1,5 tấn nhưng số tiền thu về có thể thấp hơn vì nhãn đẹp đầu mùa bán cũng chỉ 20 nghìn đồng/kg tại vườn và vào chính vụ chỉ còn 8 – 12 nghìn đồng/kg. Ông Hoàn bảo, nguồn thu trên chủ yếu từ số nhãn ghép. Cây nhãn truyền thống tuy sai quả nhưng phần bị dơi phá hoại, phần vì công hái lớn nên có khi chỉ hòa vốn. Gia đình ông để lại cây nhãn truyền thống chủ yếu làm bóng mát hơn là hạch toán giá trị kinh tế.

Ông Trần Đức Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Xã hiện có 508 ha cây ăn quả, trong đó có 70 ha nhãn. Nhãn ở Xuân Quang hầu hết là giống ghép để thay thế giống nhãn truyền thống, nhãn cổ thụ trước đây. Việc ghép nhãn ban đầu triển khai theo dự án của huyện thực hiện trên cây nhãn cổ thụ. Sẵn có gốc mẹ khỏe nên nhãn ghép sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, gốc nhãn quá lớn nên khi các mắt ghép phát triển sum suê, cộng với sức nặng khi sai quả khiến tán trĩu xuống và mắt bửa ra khỏi thân cây mẹ dù đã được neo giữ. Chính vì vậy, người trồng nhãn ở Xuân Quang không cắt ghép nhãn trên cây lớn nữa mà trồng giống nhãn ghép.

Khác với nhãn truyền thống có khi 10 năm mới ra quả, loạt nhãn ghép trồng năm 2017 đến nay đã có quả bói. Tại Xuân Quang, trung bình mỗi cây nhãn ghép khoảng 5 năm tuổi nếu được chăm sóc tốt có thể cho sản lượng 100 – 120 kg quả, giá trị thu hoạch khoảng 1,4 – 2,5 triệu đồng. “Giá trị của cây nhãn ghép khá hấp dẫn nên giờ đây người dân chỉ còn giữ lại 10 ha cây nhãn cổ thụ”, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Đức Khải nói.

Bảo Thắng là vùng nhãn lớn nhất tỉnh với khoảng 480 ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Hải, xã Phong Niên và xã Xuân Quang. Năm nay, nhãn Bảo Thắng được mùa, dự kiến năng suất trung bình đạt 32 tạ/ha, cao hơn năm 2019 khoảng 5 tạ/ha. Nhưng so với các vùng nhãn chuyên canh của cả nước thì đây là con số thấp, như năng suất trung bình tại Sơn La đạt 120 tạ/ha.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Diện tích nhãn lớn nhưng Bảo Thắng không có điểm trồng tập trung quy mô lớn mà rải rác mỗi một hộ vài cây cho tới vài chục cây. Gần đây, có hộ trồng hàng trăm cây nhãn ghép. Ban đầu việc ghép nhãn do dự án của huyện thực hiện trên cây nhãn cổ thụ, sau đó nhiều hộ không thuộc diện triển khai vẫn làm theo và phát hiện việc làm này có một số hạn chế nên dừng lại. Thậm chí nhiều hộ nhận thấy cây nhãn không còn phù hợp, hấp dẫn nên chuyển đất trồng nhãn sang trồng bưởi, na, mít hoặc các loại cây ăn quả khác. Bởi vậy, hiện nay chỉ có xã Xuân Quang có tỷ lệ trồng giống nhãn mới thay thế nhãn truyền thống cao hơn các xã khác. Tại các xã và thị trấn còn lại, người dân không còn mặn mà với việc chuyển đổi giống nhãn do lo phải tìm hiểu kỹ thuật hoặc đối mặt với những rủi ro.

Không có cây ăn quả nào trồng 1 lần sau đó thu hoạch suốt 30, 40 năm, thậm chí 50 năm như cây nhãn, điều đó sẽ mâu thuẫn với những tiến bộ khoa học và những thay đổi về trình độ trồng trọt. Chuyển đổi nhãn truyền thống sang nhãn ghép chất lượng cao là tất yếu, nhưng để thực hiện thành công thì huyện Bảo Thắng cần nguồn lực đáng kể và sự vào cuộc của “4 nhà”, trong đó Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo với những kế hoạch, chương trình phát triển có triển vọng cao về hiệu quả.

Nguồn: baolaocai.vn