Mô hình trang trại tổng hợp trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của gia đình ông Nguyễn Thái Học ở khu 12, xã Tất Thắng được nhiều người trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, huyện Thanh Sơn đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, ngày càng mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
Để phát triển cây ăn quả bền vững, cùng với chỉ đạo dồn đổi ruộng đất, huyện khuyến khích chuyển đất đồi thấp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển trồng trọt… Huyện chú trọng quản lý, kiểm soát chặt chẽ, xây dựng lộ trình, làm mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để lựa chọn những cây trồng phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho người dân các vùng trồng và thâm canh cây ăn quả tập trung; quan tâm chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm bằng việc tham gia các hội chợ, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm sản xuất…
Nhờ đó, người dân có điều kiện tập trung sản xuất, liên kết, đưa cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất và giá trị trên 1ha diện tích. Một số mô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn đã áp dụng kỹ thuật canh tác mới như trồng mật độ cao để tận dụng đất đai trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, cắt tỉa, tạo hình, tạo tán, tiện vỏ, bón phân hữu cơ, bẫy bả pheromone, bao túi để chống sâu bệnh… Anh Hà Văn Huy ở khu Mật 1, xã Văn Miếu chia sẻ: “Được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn, trên diện tích 1ha vườn đồi, từ năm 2016 đến nay, gia đình tôi đẩy mạnh trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi Diễn, ổi… Nguồn thu từ cây ăn quả đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, ngày càng ổn định cuộc sống, mỗi năm thu hoạch trên 3,5 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Ông Kiều Đức Mạnh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện yêu cầu chính quyền địa phương nghiên cứu, chỉ đạo mở rộng quy mô, phát triển sản xuất vùng chuyên canh để xây dựng thương hiệu cây ăn quả có múi; chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thường xuyên trực tiếp thăm mô hình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chủ vườn, đồi, kịp thời động viên, tháo gỡ khó khăn để các hộ nỗ lực tìm tòi, vượt khó, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, góp phần đưa vào trồng thành công các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện toàn huyện có trên 600ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích bưởi chiếm trên 80%, còn lại là cây có giá trị kinh tế cao như: Cam, thanh long, táo… Các trang trại, gia trại, hộ gia đình đầu tư, phát triển mở rộng quy mô sản xuất và đạt hiệu quả, giải quyết việc làm tại địa phương, tăng thu nhập, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Các mô hình sản xuất có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, điển hình như phát triển mô hình trồng bưởi tập trung tại các xã Tất Thắng, Tân Minh, Tân Lập, Cự Thắng, Cự Đồng, Võ Miếu…; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác. Nguồn thu ngày càng tăng từ cây ăn quả đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên làm giàu ngay tại địa phương, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân hàng năm giảm 2,48%, ước đến hết năm 2020 còn 6,5%; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Để tiếp tục phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện đang xây dựng những giải pháp cụ thể, phù hợp, phối hợp với các cấp, ngành để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng và lựa chọn các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, động viên, khuyến khích người dân tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng…từ đó, nâng cao giá trị cho sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, phát huy tối đa lợi thế, đưa phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là một trong những hướng đi phù hợp giúp giảm nghèo hiệu quả và bền vững ở địa phương.