Home / Du lịch / Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, những năm gần đây, Quảng Ninh tiếp tục tập trung có chiều sâu cho phát triển du lịch, qua đó đã đạt được những bước tiến quan trọng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hạ tầng du lịch phát triển đột phá

Dự án đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô hoàn thành vào năm 2013, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch huyện đảo. Ảnh chụp tại bãi biển Hồng Vàn, Cô Tô.

Điểm nhìn thấy rõ nét nhất chính là sự phát triển đột phá của hạ tầng du lịch. Nhờ các nguồn lực đầu tư của nhà nước, cùng với việc áp dụng các cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút được các nguồn lực đầu tư cho các hạ tầng động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch.

Đặc biệt là về hạ tầng giao thông, trong khoảng 10 năm qua, đã có hàng loạt công trình lớn được đầu tư, như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, cảng tàu quốc tế Tuần Châu.

Với quyết tâm chính trị của tỉnh, sự chung sức của doanh nghiệp và cộng đồng, Quảng Ninh cũng đã làm được công trình lịch sử là đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô vào năm 2013, không chỉ thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nơi đây. Nối tiếp đó là các dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cái Chiên (Hải Hà), các xã đảo của Vân Đồn và đảo Trần của Cô Tô.

Bên cạnh nguồn lực của tỉnh là sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược về lĩnh vực du lịch như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu với một số dự án lớn, trọng điểm đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, thu hút du khách đến với Quảng Ninh.

Không gian phát triển du lịch cũng được mở rộng. Ngay ở Hạ Long – trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh, thì không gian du lịch đã có sự dịch chuyển từ khu vực Bãi Cháy về trung tâm TP Hạ Long. Du lịch cũng mở rộng tới các địa bàn có tiềm năng khác như: Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.

f

Công viên SunWorld Hạ Long Complex là công trình vui chơi giải trí quy mô lớn được đầu tư tại trung tâm du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long.

Dần đi vào chiều sâu

Cùng với sự phát triển về chiều rộng, du lịch Quảng Ninh phát triển dần đi vào chiều sâu. Chất lượng các dịch vụ du lịch có sự nâng cao đáng kể. Các sản phẩm du lịch cao cấp được đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Đơn cử, trên Vịnh Hạ Long, số lượng tàu chở khách du lịch được đầu tư ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và thẩm mỹ. Trong số 500 tàu du lịch hiện nay có gần 200 tàu nghỉ đêm với khoảng 30% tàu nghỉ đêm đã được đóng mới dạng tàu vỏ thép. Ngoài dịch vụ tàu nghỉ đêm, nhiều dịch vụ cao cấp được đầu tư, như bay trực thăng, bay thủy phi cơ ngắm Vịnh Hạ Long…

Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, khu du lịch, công trình vui chơi giải trí quy mô lớn được đầu tư ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, như: Công viên SunWorld Hạ Long Complex, Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân gofl FLC Hạ Long, Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử (Uông Bí), khu di tích Nhà Trần (Đông Triều), đảo Cô Tô, khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Onsen Quang Hanh (Cẩm Phả)… Chỉ tính riêng hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên trong toàn tỉnh hiện có 7.587 phòng, tăng 68% so với năm 2015.

f

Các di sản của Quảng Ninh được đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị với nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh chụp tại chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (huyện Vân Đồn).

Việc phát triển du lịch của Quảng Ninh theo chiều sâu còn thể hiện ở công tác phát huy giá trị gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan các di sản thiên nhiên, văn hóa cơ bản đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí phát triển bền vững.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh đã áp dụng mô hình quản lý mới gắn trách nhiệm trực tiếp với UBND TP Hạ Long. Các Di tích Quốc gia đặc biệt như Yên Tử, các di sản nhà Trần ở Đông Triều, khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng 1288, quần thể di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên và trên 600 di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị với nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa là chủ yếu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Những con số biết nói

Những năm gần đây, Hạ Long, Quảng Ninh đã trở thành điểm đến có uy tín cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế. Số lượng du khách, thời gian trải nghiệm, lưu trú cũng như mức chi tiêu của du khách đều tăng lên, sự đóng góp của du lịch cho sự phát triển chung của Quảng Ninh là rất đáng kể.

f

Khu du lịch Quảng Ninh Gate (Đông Triều) mới được doanh nghiệp đầu tư, đi vào hoạt động từ tháng 4/2018.

Theo thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 trong năm nay, song tổng số khách du lịch 5 năm qua vẫn tăng vượt bậc, đạt khoảng 53 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt), tăng bình quân 1,7%/năm; khách nội địa tăng bình quân 9,5%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm.

Nếu như vào năm 2015, thời gian lưu trú trung bình của du khách là 1,8 ngày thì đến năm 2019 đã tăng lên là 2,74 ngày. Mức chi tiêu của du khách năm 2015 là 1,5 triệu đồng/người/ngày, đến năm 2019 tăng lên đạt trung bình là 2,1 triệu đồng/người/ngày. Du lịch đóng góp 5,1% tổng thu ngân sách nội địa giai đoạn 2011 – 2015, 5 năm gần đây con số này tăng lên đạt khoảng 7,1% (10.205 tỷ đồng).

Nguồn nhân lực ở khu vực dịch vụ, du lịch tăng từ 36,7% (năm 2015) lên 41,9% (năm 2020). Hiện nay, Quảng Ninh có khoảng 130 nghìn lao động, trong đó có 60 nghìn lao động trực tiếp và 70 nghìn lao động gián tiếp. 5 năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đào tạo tại chỗ cho trên 4.000 cán bộ quản lý và người lao động ngành du lịch.

f

Du lịch Quảng Ninh đã tạo việc làm cho khoảng 130 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Ảnh: Đón khách du lịch bằng xe điện tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).

Nói về những giải pháp để nâng cao chất lượng du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Đầu tiên là cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, ngành, nhất là cộng đồng kinh doanh du lịch. Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, làm sao để tạo sự khác biệt, sức hấp dẫn cho du khách.

Ba là phải tập trung thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực đầu tư vào hạ tầng du lịch, trên cơ sở vẫn giữ được nét truyền thống, đồng thời tạo được nét hiện đại để thu hút khách tốt nhất. Chuyển trọng tâm vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút những dòng khách có khả năng chi trả cao và kéo dài thời gian lưu trú. Đồng thời, cần hài hòa giữa khách du lịch trong nước và quốc tế để khai thác du lịch Vịnh Hạ Long và các vùng lân cận trong suốt cả năm.

Với những giải pháp đó, chúng ta hướng đến mục tiêu năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Quảng Ninh sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu cả nước cũng như khu vực, thu hút khoảng 20 triệu lượt khách, trong đó có 9 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu khoảng 62 nghìn tỷ đồng, đóng góp của ngành du lịch vào tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh thấp nhất là 15%.

Nguồn: baoquangninh.com.vn