Trong khi các resort nghỉ dưỡng “tung” ra nhiều chương trình để thu hút khách quay trở lại trong dịp lễ Quốc khánh, thì hầu hết khách sạn ở TP. Huế lại thông báo tạm thời đóng cửa, thậm chí nhiều nhà hàng, khách sạn đã phải rao bán.
Khách lưu trú tại một khách sạn 4 sao trên đường Bến Nghé vào giai đoạn khách quốc tế vẫn được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Hàng loạt khách sạn rao bán
Theo Hội Lưu trú tỉnh, khách đi du lịch hiện tại chủ yếu là nội tỉnh, nên chỉ lựa chọn ở các điểm nghỉ dưỡng, resort vùng ven TP. Huế và sát biển, đầm phá. Trong khi đó, với các khách sạn lâu nay đón dòng khách chủ lực là quốc tế và nội địa đã không còn đón khách; khách trong tỉnh cũng ít lựa chọn thuê khách sạn ở khu vực thành phố, hoặc có thì số lượng rất ít.
“Hiện tại, một số khách sạn vẫn còn duy trì đón khách thường xuyên là các cơ sở nhỏ, có giá thuê phòng phù hợp và khách là các chuyên gia, người đi công tác đến Huế dài ngày. Về phía các khách sạn cao sao, vẫn thỉnh thoảng có khách đặt phòng, là khách đi công tác ngắn ngày, nhưng chỉ một vài phòng. Xét về hiệu quả kinh doanh nếu đón là thua lỗ. Bởi chỉ một lượng ít khách nhưng phải vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhân viên làm việc để phục vụ. Nên các khách sạn chọn phương án đóng cửa tạm thời”, ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh phân tích.
Khó khăn là điều được dự báo trước đó và thực tế đang xảy ra mà theo các cơ sơ lưu trú là ngoài sức tưởng tượng. Theo Sở Du lịch, những ngày qua, sở liên tiếp nhận các thông báo về việc tạm dừng hoạt động của các khách sạn; trong đó, phần lớn là khách sạn 4-5 sao.
Thậm chí, điều không mong muốn cũng đã xảy ra khi nhiều khách sạn đã rao bán cơ sở của mình. Khách sạn rao bán chủ yếu là vừa và nhỏ. Đa số khách sạn này nằm ngay trung tâm TP. Huế, như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương… Đặc biệt, chiếm đa số là khu vực phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu.
Nhiều nhà hàng, khách sạn đăng thông tin bán cơ sở của mình (Ảnh chụp trên trang alonhadat.com.vn ngày 29/8).
Một chủ khách sạn trên đường Lê Lợi bộc bạch: “Không thể nào khác được, dù rất muốn giữ khách sạn lại để kinh doanh tiếp. Khách sạn tôi mới xây dựng xong và khai thác được một mùa thì dịch bệnh xuất hiện. Nguồn vốn phần lớn là từ vay vốn ngân hàng. Nguồn thu không có, trong khi đó tiền lãi đã lên đến trăm triệu đồng/tháng. Tôi đã xoay đủ hướng và cầm cự được mấy tháng qua rồi. Giờ đã hết cách và chỉ biết bán để trả nợ mà thôi”.
Tìm kiếm mục bán nhà hàng, khách sạn ở trên trang alonhadat.com.vn (trang mua bán bất động sản nổi tiếng nhất hiện nay), không chỉ có khách sạn mà nhiều nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch cũng đang rao bán. Điển hình nhất có thể kể đến Nhà hàng Làng Chài (đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô) đang đăng thông tin bán nhà hàng với giá 50 tỷ đồng.
Dù thế, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, theo những người có kinh nghiệm về kinh doanh bất động sản, sẽ rất ít nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư số tiền lớn để mua khách sạn, nhà hàng. Do đó, tình trạng bán lỗ, bị ép giá sẽ xảy ra, điều này càng đẩy doanh nghiệp vào tình thế “bi đát” hơn nữa.
Mong các chính sách đến kịp thời
Theo nguyên tắc kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, công suất sử dụng phòng phải đạt từ 30% trở lên mới đủ chi phí hoạt động và ít nhất 40% mới sinh lợi nhuận. Khác với lĩnh vực lữ hành, kinh doanh lưu trú cần nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn lại dài (trung bình 15 năm). Do đó, so với các loại hình khác, kinh doanh lưu trú bị tác động lớn và để lại tác động lâu hơn.
Ngay lúc này, người kinh doanh lĩnh vực khách sạn rất mong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhanh được triển khai.
Ông Nguyễn Hữu Bình cho biết, khó khăn chồng khó khăn khiến doanh nghiệp kinh doanh khách sạn mỗi lúc thêm lao đao. Nếu không có giải pháp kịp thời của cơ quan Nhà nước, việc phá sản là điều chỉ còn sớm muộn. “Hỗ trợ doanh nghiệp khoanh nợ, giãn nợ, chậm trả lãi và sẽ trả vốn và lãi khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại, chính là phao cứu sinh quan trọng nhất cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn hiện tại”, ông Nguyễn Hữu Bình nhấn mạnh.
Ở một diễn biến khác, nhiều khách sạn trước đây đóng cửa thường không thông báo đến cơ quan chức năng, nhưng gần đây hàng loạt khách sạn tiến hành thông báo. Theo Hội Lưu trú tỉnh, Thủ tướng Chính phủ vừa có ban hành Quyết định về việc giảm 15% tiền thuê đất trong năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có doanh nghiệp du lịch. Đối với những khách sạn cao sao, nằm ở vị trí “đắc địa” như đường Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, tiền thuê đất lên đến con số hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, việc giảm 15% là khoản kinh phí không hề nhỏ trong giai đoạn khó khăn như hiện tại.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, trong cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Du lịch hồi giữa tháng 8/2020, sở đã có đề xuất với Tổng cục Du lịch về miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp qua quý II/2021. Được biết, Tổng cục Du lịch đã trình Chính phủ các đề xuất trên, và hiện đang chờ quyết định của Chính phủ.
Trong lúc này, các doanh nghiệp thật sự cần trợ lực kịp thời từ Nhà nước