“Anh hát lời yêu thương em suốt đời. Mình dệt tình ca bên vách núi này thôi. Tiếng đàn em ngân vang cùng mùa lúa chín. Lời yêu thương em gửi vào khung dệt. Tiếng khèn anh dìu dặt cùng suối, cùng gió, cùng trăng và mây ngàn…”.
Những lời ca da diết ấy ngân vang bên dòng Nậm Tu theo tiếng khèn của Vàng A Sè, người con của bản Mông xanh trên núi Tu Thượng (Nậm Xé, Văn Bàn) vọng vào vách đá đưa chúng tôi về với miền cảm xúc. Giữa ngút ngàn của núi rừng, của mây trời, tiếng khèn cứ ngân vang.
Người Mông xanh trên núi Tu Thượng luôn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Là con trai của nghệ nhân Vàng A Nhẳng nên ít nhiều từ nhỏ, cậu bé người Mông xanh này đã thấm đẫm văn hóa dân tộc mà ở dải đất hình chữ S có duy nhất tộc người rất ít người này. Chẳng thế mà nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học cho đến giờ vẫn đi tìm đáp số của bài toán nguồn gốc tộc người Mông xanh trên núi Tu Thượng. Trước đây, đã từng có nhiều bài viết về cuộc gặp gỡ giữa những người khách đến từ đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản vì có sự tương đồng về ngôn ngữ nói với một tộc người bên đó cũng như bộ trang phục đầy ấn tượng của đàn ông Mông xanh khi mặc vào nhìn oai vệ như những chiến binh sa-mu-rai ở xứ sở hoa anh đào… Tuy nhiên cho đến giờ, để khẳng định người Mông xanh ở Văn Bàn có mối liên hệ với người Ainu (một tộc người ở Nhật Bản) hay không thì vẫn là ẩn số. Chỉ biết rằng, trên ngọn núi ấy có bản người Mông xanh vẫn luôn tin vào Đảng, kính yêu Bác Hồ và con cháu vẫn đang đi học chữ Bác Hồ, làm cán bộ, đem “cái chữ” về cho dân bản, viết lên những khúc tình ca ngân vang, da diết.
Còn Vàng A Nhè năm nay ngót tứ tuần, vừa cất tiếng sáo véo von, trầm bổng, vừa đi quanh sân cùng điệu múa quen thuộc của người Mông xanh mà anh thường biểu diễn trong ngày hội. Sau hồi say sưa, Vàng A Nhè tâm sự với chúng tôi: Người Mông xanh, tiếng sáo là tiếng lòng để trai gái bày tỏ yêu thương với nhau khi đang giai đoạn tìm hiểu. Chính vì thế, bất cứ chàng trai Mông xanh nào lớn lên cũng học thổi sáo và phải biết thổi sáo để bày tỏ tình cảm và nói hộ lòng mình với người con gái mình muốn trao gửi trái tim yêu thương… Tôi học thổi sáo từ ông nội, giờ thì tôi đang dạy lại cho con trai mình cách thổi sáo và múa khèn.
Ở Tu Thượng, có một tảng đá thiêng ngay đầu bản, còn gọi là hòn đá tình yêu, nơi gái trai đang tuổi hẹn hò, cũng là nơi những thanh niên đêm đêm đem sáo ra tập thổi. Tiếng sáo trong những đêm thanh vắng giữa chốn đại ngàn cứ da diết, ngân nga, vang mãi theo con suối, theo vách núi. Vàng A Nhè cũng đã từng thổi sáo để tỏ tình với cô gái Mông khi anh còn rất trẻ, nay người con gái ấy đã thành vợ. Giờ đây, Vàng A Nhè cũng vì yêu tiếng sáo, muốn gìn giữ bản sắc dân tộc mình mà anh trở thành người thổi sáo rất giỏi của bản Tu Thượng. Tiếng sáo còn được cất lên trong những ngày Tết cổ truyền hoặc trong lễ hội của người Mông xanh. Thường thì, sẽ có 3 người đàn ông mặc trang phục dân tộc truyền thống, một người đi trước thổi sáo, cứ thế tiếng sáo dẫn dắt những câu chuyện về nghi lễ truyền thống, để bà con trong bản cùng biết và nhớ về nguồn cội, cùng nói với nhau về cuộc sống mai sau…
Bà Lý Thị Sai truyền dạy nghề dệt vải lanh cho cháu nội.
Đã là người Mông xanh thì đàn ông phải giỏi thổi sáo và phụ nữ phải biết thêu thùa, hát dân ca dân tộc mình. Chính vì điều đó, cụ Lý Thị Sai vừa ngồi dệt bên khung cửi, vừa dạy đứa cháu nội của mình biết xe lanh, xe chỉ để dệt vải. Cụ Lý Thị Sai cho hay: Từ nhỏ, tôi đã giúp mẹ tước đay, nối dây buộc thành sợi chỉ để dệt vải, nên tôi được mẹ dạy cách dệt vải. Cũng bởi từ xưa, người Mông xanh tự dệt vải để may quần áo mặc theo cách truyền thống, nên con gái lớn lên phải biết dệt vải. Bà và mẹ dạy tôi cách trồng lanh, xe sợi, dệt vải, dạy thêu thùa và may vá. Lấy chồng sinh con, tôi tiếp tục dạy các con mình cách may quần áo mới trước khi về nhà chồng, dạy con dâu trồng lanh dệt vải để dùng trong gia đình và may quần áo cho cháu nội, ngoại… Cứ thế, đời này truyền đời sau, nghề dệt vải theo tôi đến tận bây giờ, hằng ngày, những lúc cuối tuần, đứa cháu gái đi học nội trú dưới huyện về lại quấn quýt bên bà nội học cách thêu thùa, xe lanh, dệt vải.
Vốn quen với nếp sống của đồng bào mình, ông Vàng A Nhẳng dường như luôn đau đáu với nghề đan lát truyền thống do cha ông truyền lại. Thế nên, bản Tu Thượng đã phong ông là nghệ nhân của bản, bởi khéo tay đan lát. Ông Vàng A Nhẳng bảo: Từ nhỏ tôi đã thích đan lát rồi, nên cứ thấy các cụ trong bản đan lát là tôi lại mon men đến gần để xem, học lỏm… Lớn dần, vì yêu thích và đam mê, tôi đã theo học nghề đan từ ông mình, bố mình và anh em trong họ. Cứ thế cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì nghề đan lát truyền thống này. Thường thì tôi đan cho con cháu trong gia đình dùng, rồi đan cho anh em, hàng xóm, những ai cần, tôi đều giúp họ, từ những dụng cụ hằng ngày như gùi đi nương đến các đồ vật dùng trong gian bếp, hoặc đơn giản là chiếc giỏ đựng gà lên nhà ngoại trong nghi lễ truyền thống của người Mông xanh. Có lẽ, tôi được các cụ “chọn mặt gửi vàng” nối tiếp nghề đan lát của cha ông để truyền lại cho thế hệ sau vậy.
Là tộc người dân tộc thiểu số ít người nhất Việt Nam, người Mông xanh sinh sống chủ yếu tại 2 thôn Tu Thượng và Tu Hạ (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn), với 110 hộ, 575 khẩu, riêng ở thôn Tu Thượng có 49 hộ với 279 khẩu. Trưởng thôn Tu Thượng Lý A Sú khoe: Ngày trước, người Mông xanh ở đây vất vả lắm, nhà nào cũng neo người nên làm ra hạt lúa, hạt ngô cũng không đủ ăn và chăn nuôi cũng không phát triển bởi những tập tục cũ, giao thông không thuận, phó mặc cho trời đất, mùa màng cũng vì thế năm được năm không. Nhưng nhờ bền bỉ bám trụ và cùng nhau đoàn kết, người Mông xanh đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tự thay đổi cuộc sống trong mỗi nếp nhà, đưa giống mới vào gieo trồng, biết chăn nuôi, biết xuống xã và ra trung tâm huyện để học hỏi cách làm ăn về áp dụng ở bản mình.
Người Tu Thượng hôm nay vẫn bám trụ trên núi cao, nhưng biết giữ rừng, biết chăm lo cho cuộc sống trong mỗi gia đình ngày càng tiến bộ, biết bảo tồn bản sắc văn hóa trong lễ hội, ẩm thực, trang phục, dân ca và nghề truyền thống. Điều ấy là minh chứng rõ nét hơn bao giờ hết khi ánh sáng của Đảng đã soi rọi khắp bản làng, khi những hạt nhân của chi bộ luôn tiên phong gương mẫu xây dựng và cùng tìm ra những cách phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng ấm no.
Bí thư Chi bộ Tu Thượng Lý A Hòa cho biết: Chi bộ thôn hiện có 20 đảng viên, luôn gương mẫu xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong bản, dòng họ, anh em, cùng bảo nhau cách trồng ngô, lúa giống mới, trồng măng sặt, chăn nuôi lợn, gà. Đặc biệt, các đảng viên luôn đi đầu trong việc cho con em đi học. Chính vì điều ấy, những người con của bản Mông xanh Tu Thượng đã trở thành những “hạt giống đỏ” của xã Nậm Xé. Có người rời bản xuống núi làm cán bộ xã, cán bộ huyện.
Ông Vàng A Kho năm nay hơn 30 năm tuổi Đảng kể lại: Người Mông xanh không có chữ viết, tiếng nói cũng khác hẳn với tiếng của tộc Mông hoa hay Mông đen, nên văn hóa dân tộc đều được truyền miệng. Tôi lớn lên chỉ nghe người già kể lại rằng, tổ tiên chúng tôi đi 7 ngày, 7 đêm trong buổi loạn lạc, quay lại nhìn vẫn thấy mênh mông, đến vùng đất này như một chữ duyên với núi rừng, với con suối, nên đã dựng nhà, lập bản và sinh con, đẻ cháu trên đỉnh núi Tu Thượng này.
Ngày hội của bản rộn ràng tiếng cười nói, ánh lên niềm vui trong từng ánh mắt, mọi người dẫn nhau ra suối Nậm Tu, người múa khèn, người thổi kèn lá, người thổi sáo… hòa trong tiếng róc rách của nước chảy trên ghềnh đá, tạo nên bản hòa tấu của núi rừng, như tình yêu thao thiết chảy trong những trái tim người Mông xanh. Đâu đó trong vi rút bản nhạc rừng có tiếng sáo trầm bổng của Vàng A Nhè và nhịp khèn uyển chuyển của chàng trai đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” – Vàng A Sè…
Dẫu rằng người Mông xanh ở Tu Thượng vẫn còn những vất vả, khó khăn, nhưng họ đang cùng nhau viết tiếp khúc tình ca về đất và người bên dòng suối Nậm Tu trong xanh…