Đội tế lễ của đình Vàng xã Hanh Cù dâng cúng lễ vật.
Thanh Ba là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên địa bàn hiện có 19 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.
Nhận thức việc bảo tồn các di sản, di tích là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, trong những năm qua, huyện Thanh Ba luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích; thành lập và điều hành có hiệu quả Ban quản lý của từng khu di tích; lựa chọn những người gắn bó, tâm huyết với các di tích trên từng địa bàn để kiện toàn vào ban quản lý; chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, giữ gìn các cơ sở vật chất, di vật, cổ vật thuộc khu di tích; yêu cầu theo dõi hiện trạng và kịp thời báo cáo cấp trên khi có hư hỏng, xuống cấp để trùng tu, khắc phục… Quá trình tôn tạo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dưới sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích, và đặc biệt là toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Đền Năng Yên thuộc xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba
Kết quả, từ năm 2019 đến nay, đã có 6 di tích lịch sử văn hóa được các cấp chính quyền huyện tiến hành tu bổ, tôn tạo, gồm: Đền Thượng (xã Ninh Dân), tòa Tam Bảo – chùa Thọ Khuê (xã Hành Cù), đền các quan thuộc di tích đền Năng Yên (xã Quảng Yên), đền Thông (xã Hoàng Cương), Tam Quan – chùa Bảo Sái (xã Lương Lỗ), khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thị trấn Thanh Ba). Trong đó, đền thờ Mẫu thuộc quần thể khu di tích lịch sử, văn hóa đền Năng Yên là 1 trong 4 di tích lịch sử, văn hóa đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị tu bổ, tôn tạo, gồm: Đình Phao Thanh (xã Thanh Hà), chùa Minh Linh (xã Đông Thành) và chùa Thọ Khuê (xã Hanh Cù). Tất cả đang đợi được phê duyệt để sớm triển khai trong năm nay với kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Có thể thấy, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hoá trên địa bàn huyện, mà đặc biệt là công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do có địa hình đồi núi, rộng, nhiều đơn vị hành chính các di tích nằm rải rác nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, nắm bắt tình hình; đội ngũ cán bộ mỏng, hạn chế trong việc triển khai các văn bản, hướng dẫn của Nhà nước trong công tác quản lý tại các khu di tích; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa trong việc tu bổ di tích và tổ chức lễ hội còn hạn chế, dẫn đến một vài di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời.
Ông Vũ Văn Lâm, Phó trưởng ban khánh tiết Di tích đền Du Yến cùng các vị cao niên kiểm tra các hạng mục bị xuống cấp tại đền.
Để bảo tồn, gìn giữ và tuyên truyền, quảng bá về giá trị của hệ thống di tích lịch sử – văn hoá trên địa bàn đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách, huyện đã có những bước đi cụ thể, bám sát định hướng gắn giá trị di tích với du lịch đã đề ra.
Bà Mai Thị Phương Oanh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Ba cho biết: “Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn” được tỉnh xây dựng với mục đích tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh các di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ, đặc biệt là giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, cũng như góp phần phục vụ phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa là sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Thanh Ba có 2 di tích nằm trong chương trình này, gồm: Đền Du Yến trên cung đường du lịch tâm linh Đền Hùng – Du Yến – Mẫu Âu Cơ, thu hút một lượng lớn du khách mỗi dịp lễ hội đầu xuân và đền Năng Yên trong đề án tour du lịch trải nghiệm đồi cọ Năng Yên đang được khảo sát để phát triển thành điểm du lịch điểm của tỉnh. Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, huyện Thanh Ba đang từng bước phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn theo hướng du lịch tâm linh, trải nghiệm – hướng đi chung của du lịch tỉnh nhà. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của địa phương và đặc biệt, tạo sự lan tỏa giá trị văn hóa trong cộng đồng”.
Ông Từ là những người gắn bó tâm huyết với di tích, được nhân dân lựa chọn để gìn giữ, bảo vệ các giá trị di tích cho đời sau.
Ngoài sự nỗ lực từ các cấp chính quyền, người dân địa phương cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích. Tiêu biểu như tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Du Yến. Sau khi Ban quản lý di tích đền mời những vị cao niên trong làng cùng các nhà sử học trong và ngoài tỉnh cùng nhau nghiên cứu, ghi chép lại những chi tiết về đền Du Yến như vị thần được thờ, di vật lịch sử, kiến trúc xây dựng… đến nay, đã có 3000 ấn phẩm được in, trao tận tay cho bà con cùng du khách thập phương khi đến thăm viếng ngôi đền. Đây là một cách làm hay, giúp công tác tuyên truyền, quản bá đạt hiệu quả cao.
Ông Vũ Văn Lâm – Phó Ban khánh tiết Di tích lịch sử, văn hóa đền Du Yến chia sẻ: “Cuốn sách là tâm huyết của các thế hệ người dân gắn bó với đền từ bao đời nay. Đây không chỉ là một cách để quảng bá, mà còn là tài liệu để truyền dạy cho con cháu sau này, giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngoài những kinh nghiệm được truyền từ người già sang lớp trẻ, đây sẽ là căn cứ, là nền tảng để di tích mãi được gìn giữ và phát huy, không bao giờ mất đi giá trị.”
Với những gì mà chính quyền cùng nhân dân Thanh Ba đã, đang và tiếp tục triển khai, sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích trên địa bàn. Đó cũng chính là sự tri ân đối với những tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông, đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương.