Home / Kinh tế / Thủ lĩnh làm kinh tế giỏi ở vùng khó

Thủ lĩnh làm kinh tế giỏi ở vùng khó

Nhờ cần cù, năng nổ, sáng tạo trong lao động sản xuất, gia đình anh Điểu Hòa ở xã Lộc Lâm (Bảo Lâm) không chỉ là tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất giỏi của xã, mà còn rất nhiệt tình trong việc định hướng giúp bà con thực hiện tổ chức sản xuất, góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Nhờ chú trọng khâu tổ chức sản xuất, nên vườn cà phê của gia đình anh Điểu Hòa cho sản lượng ổn định.

Hơn 10 năm trước, anh Điểu Hòa là thủ lĩnh Đoàn năng động, nhiệt huyết với phong trào thanh niên địa phương; cần cù, chịu khó, mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, giúp thanh niên nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong sản xuất và công tác Thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2015”; Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “Đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo lời Bác năm 2013” và  “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, Hội và tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới năm 2015”.
Năm 2018, anh Điểu Hòa được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm. Anh Điểu Hòa cho biết, trước đây, gia đình anh sống ở Đồng Nai, cuộc sống khó khăn trăm bề. Năm 1992, khi giá cả cà phê trên thị trường tăng cao, để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, anh quyết định lên Bảo Lâm (Lâm Đồng) mua đất canh tác cà phê. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc cây trồng, vợ chồng anh còn đi làm thuê, khai hoang, dần dần mở rộng diện tích lên 10 ha. Nhận thấy giống cà phê hạt cho năng suất thấp, sau khi đi tham quan một số mô hình ghép cải tạo, tái canh và đa canh trên địa bàn huyện, vợ chồng anh lần lượt áp dụng vào vườn nhà. Đến nay, gia đình anh Điểu Hòa đã cơ bản chuyển đổi toàn bộ diện tích bằng cách ghép cải tạo, tái canh cà phê giống mới cho năng suất cao; đồng thời, phát triển trồng xen 300 gốc bơ, 200 gốc sầu riêng. So với độc canh cà phê thì việc trồng xen tuy vất vả hơn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ chăm sóc khá bài bản nên vườn cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất ổn định, bình quân mỗi năm gia đình anh Điểu Hòa thu về trên 40 tấn cà phê nhân, còn bơ, sầu riêng có một số cây cũng đang trong giai đoạn cho thu trái bói.
Anh Điểu Hòa cho biết: “Việc áp dụng kỹ thuật trong khâu chăm sóc là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong năm gia đình tôi thường tổ chức sản xuất như: cắt tỉa cành, bón phân 6 lần/năm. Mình tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, bón phân xong rồi mới phát cỏ. Với cách làm này, khi gặp trời nắng thì phân bón sẽ không bị bốc hơi, còn trời mưa cũng không bị rửa trôi.
Cũng theo anh Điểu Hòa, hằng năm bình quân gia đình anh thuê lao động địa phương phụ giúp chăm sóc, thu hái khoảng 1.130 công với chi phí tương đương 300 triệu đồng/năm.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, điều anh Điểu Hòa trăn trở nhất hiện nay là hầu hết bà con trong vùng chưa chú trọng đến việc tổ chức sản xuất hoặc tổ chức sản xuất chưa hợp lý, nên chi phí đầu tư cao, bón phân không đúng thời điểm, hiệu quả kinh tế mang lại thấp… Vì vậy, thời gian qua, anh đã tổ chức cho hội viên nông dân trong xã đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả; tham mưu với chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện mở các đợt tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật vào sản xuất chè, cà phê, sầu riêng, bơ; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vận động hội viên và bà con nông dân trong xã thay đổi tập quán canh tác, biết tổ chức sản xuất cho gia đình; tích cực phát triển kinh tế vườn hộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, từng bước tăng gia sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, vận động người dân hiến đất làm đường, tham gia đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới… Anh Điểu Hòa cho hay, đến nay nhận thức của bà con đã có nhiều chuyển biến rõ nét, trong số khoảng 530 hội viên nông dân của xã có gần 100 hội viên được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã.
Theo Ndong Brừm-Báo Lâm Đồng