Home / Y tế / Á quân “đường lên đỉnh Olympia” ngày ấy, bây giờ

Á quân “đường lên đỉnh Olympia” ngày ấy, bây giờ

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nhật ở tuổi 32, Nguyễn Nguyễn Thái Bảo, người từng đoạt giải Nhì chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2004 và quán quân “Rung chuông vàng” toàn quốc do VTV3 tổ chức năm 2009 trở về làm giảng viên, bác sĩ tại Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế.

TS. BS. Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (phải) cùng kíp phẫu thuật

Gần gũi với bệnh nhân

Tôi biết sự trở lại của quán quân Nguyễn Nguyễn Thái Bảo qua lời giới thiệu của PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.

PGS. Hùng giới thiệu về TS. Bảo bằng niềm tự hào. “Nếu không bị ảnh hưởng dịch COVID-19, TS.Thái Bảo đã tham dự hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế do Bộ Y tế và Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội rồi”, thầy Hùng nói.

Nói về bác sĩ trẻ Thái Bảo, bệnh nhân Nguyễn Phất (83 tuổi) cười rạng rỡ. Ông Phất tuổi cao lại mổ lại vết thương cũ nên rất lo lắng khi nhập viện. Nhưng nỗi lo của ông nhanh chóng qua đi nhờ những hành động, cử chỉ ân cần của bác sĩ trẻ Thái Bảo. Ông Phất chia sẻ: “Được bác sĩ Bảo hỏi han, trò chuyện trong suốt thời gian tôi nhập viện để mổ nên tôi được trấn an, không còn lo lắng gì nữa”.

Với Thái Bảo, ân cần, gần gũi với bệnh nhân là nguyên tắc đạo đức làm nghề được anh thấm nhuần từ người cha đáng kính cũng là bác sĩ và từ những thầy cô trên giảng đường đại học.

Điều đó tiếp tục được bồi đắp trong thời gian 4 năm anh làm nghiên cứu sinh tại Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Trường đại học Y khoa Hamamatsu, Nhật Bản. Theo Thái Bảo, bác sĩ dành nhiều thời gian gần gũi, tìm hiểu bệnh nhân sẽ tạo cho người bệnh được tâm lý yên tâm, tin tưởng và hợp tác trong quá trình điều trị. “Hiểu rõ bệnh nhân, bác sĩ có thể vận dụng thêm biện pháp tâm lý trong điều trị bệnh”, TS. Bảo cho hay.

TS. BS. Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (thứ 2 từ trái qua) với các giáo sư người Nhật

Nghiên cứu nhiều kỹ thuật hiện đại

Giành Quán quân “Rung chuông vàng” khi là sinh viên năm 5, nhưng đợi khi tốt nghiệp và giữ lại trường làm giảng viên (Trường đại học Y Dược Huế), Thái Bảo mới sử dụng phần thưởng để tham gia khóa tu nghiệp tại New Zealand. Đó cũng là thời gian anh “săn” học bổng nghiên cứu sinh. Năm 2015, Bảo vượt qua nhiều điều kiện khắt khe để nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản làm nghiên cứu sinh 4 năm tại Trường đại học Y khoa Hamamatsu.

Muốn gặt hái được nhiều hơn ngoài tấm bằng tiến sĩ trên đất nước mặt trời mọc, thay vì hoàn thiện chương trình học 4 năm theo quy định, Thái Bảo nỗ lực hoàn thành trong hơn 2 năm. Thời gian còn lại anh xin tham gia các ca mổ khó cùng các chuyên gia đầu ngành và tham gia làm thành viên các đề tài của các giáo sư để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời để tiếp cận những kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật chuyên ngành.

Xác định sẽ trở về nước cống hiến khi hoàn thành nghiên cứu sinh, trong quá trình nghiên cứu tại Trường đại học Y khoa Hamamatsu, Thái Bảo luôn chọn cho mình những đề tài nghiên cứu phù hợp và đang cần ở Việt Nam để thực hiện. Đầu tiên anh chọn đề tài “Phương pháp xác định mật độ xương dựa vào hình ảnh X – quang”.

Thái Bảo giải thích, với đề tài này, bác sĩ có thể sử dụng phim chụp X – quang của bệnh nhân để đo chỉ số mức độ loãng xương và nguy cơ gãy xương do loãng xương thay vì sử dụng máy đo mật độ loãng xương có kinh phí rất lớn, hiện đang rất hạn chế ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Với đề tài này, Thái Bảo được tham dự Hội nghị khoa học chấn thương chỉnh hình tại Mỹ, sau đó được đăng trên Tạp chí Chấn thương chỉnh hình Hàn Quốc. Đề tại này cũng giúp anh giành giải Nhất Hội nghị khoa học trẻ Việt – Nhật.

Tiếp đó, anh nghiên cứu thêm đề tài “Dựng hình 3D trong mô phỏng vận động khớp háng”, giúp bác sĩ chẩn đoán rõ hơn, chính xác hơn từ mô hình trực quan 3D thay vì chỉ chẩn đoán bằng phim như trước khi thực hiện phẫu thuật khớp háng. Đối với đề tài này, Thái Bảo cũng được tham gia báo cáo tại Hội nghị khoa học chấn thương chỉnh hình quốc tế tại Mỹ và hiện đang bước đầu được áp dụng tại Việt Nam.

TS. BS. Nguyễn Nguyễn Thái Bảo khám bệnh cho bệnh nhân

Truyền cảm hứng cho sinh viên

Nhắc đến 2 giải thưởng thời sinh viên trước đây, Thái Bảo chia sẻ, anh không lấy đó làm áp lực cho bản thân, song tự nhủ luôn cố gắng để tạo những dấu ấn riêng cho lĩnh vực mình lựa chọn.

Hiện tại anh đang linh hoạt áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại đã lĩnh hội được vào thực tiễn và nỗ lực rèn luyện tay nghề trong từng ca mổ. Sau mỗi ca mổ, dù mổ chính hay tham gia mổ, TS. Thái Bảo đều lưu lại tất cả quy trình để tự đánh giá, hoàn thiện chuyên môn về chấn thương chỉnh hình.

Truyền cảm hứng và luôn nhắc nhở sinh viên biết đặt câu hỏi ngược lại trước các kiến thức thầy cô truyền đạt, từ đó tìm hiểu sâu hơn và sẽ được bổ sung thêm nhiều kiến thức mới hơn là phương pháp giảng dạy được TS. Thái Bảo lựa chọn trong vai trò là giảng viên.

PGS. TS. Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Dược Huế đánh giá: Những đề tài nghiên cứu của TS. BS. Nguyễn Nguyễn Thái Bảo có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế hiện tại và tương lai trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình mà các nước phát triển trên thế giới cũng đang hướng đến.

Hiện TS. Thái Bảo đang linh hoạt ứng dụng một cách sáng tạo những đề tài nghiên cứu của mình để điều trị bệnh trong điều kiện thực tế tại Việt Nam. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sự chỉn chu, phong cách làm việc chuyên nghiệp, những đức tính, tố chất cần có của một giảng viên, bác sĩ được TS.Thái Bảo thể hiện trong khám chữa bệnh cũng như trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nguồn: baothuathienhue.vn