Trước nguy cơ “chảy máu cồng chiêng” trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, xã vùng sâu Kông Pla, huyện Kbang (Gia Lai) đang nỗ lực bảo tồn nét tinh hoa văn hóa cồng chiêng trong buôn làng.
Toàn xã Kông Pla hiện có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ xưa đến nay, tiếng chiêng vẫn đều đặn ngân vang. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, tiếng cồng chiêng như là cội nguồn của bản sắc văn hóa mà ông bà xưa truyền lại để bảo tồn, phát huy và tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ.
Làng Groi – địa chỉ đỏ tại xã Kông Pla trong công cuộc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Trong làng, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, ai cũng quý và biết đánh cồng chiêng. Làng Groi hiện duy trì được ba đội cồng chiêng đại diện cho ba thế hệ là người lớn, thiếu nhi và phụ nữ. Sự trao truyền nét văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ của làng Groi đã khiến cho âm thanh của cồng chiêng mãi vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên xanh.
Nét nổi bật nhất trong nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở làng Groi là việc làng thành lập và duy trì được đội cồng chiêng nữ hơn 2 năm qua với hơn 30 thành viên. Từ những buổi đầu ngại ngùng khi lần đầu được tận tay gõ từng nhịp chiêng thay vì múa xoang như truyền thống, đến nay từng thành viên trong đội ngày càng thuần thục, kết hợp ăn ý. Nếu như đàn ông lực lưỡng, oai dũng trong mỗi nhịp gõ vào mặt chiêng, các chị em lại duyên dáng, khéo léo qua từng điệu múa. “Ban đầu bỡ ngỡ lắm vì trước giờ mình chỉ múa theo nhịp chiêng chứ chưa đánh thử bao giờ. Ai cũng thấy khó nhưng tất cả đều vui lắm nên cố gắng luyện tập. Truyền thống của dân tộc mình mà, mình phải học chứ”, chị Đinh Thị Ngem chia sẻ.
Được coi là “mỏ vàng thành tích” của xã, Đội cồng chiêng nhí của làng Groi với 45 thành viên thường xuyên đại diện làng tham gia tại các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp và đều đạt thành tích cao. Cứ mỗi lần làng, xã có lễ hội hay được triệu tập để tham gia các sự kiện của huyện, tỉnh, các thành viên của đội lại háo hức đến tập luyện cùng mọi người trong làng. Dưới sự hướng dẫn tận tình của nhiều nghệ nhân lớn tuổi, Đội cồng chiêng nhí dần quen và yêu thích âm thanh trầm bổng của loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Em Đinh Ngọc Hân cho biết: “Không chỉ học cách đánh chiêng sao cho đúng nhịp, đúng âm, em còn học các già trong làng cách biểu diễn, biểu cảm, cách bước đi sao cho phù hợp với từng bài chiêng. Mỗi lần biểu diễn cồng chiêng, được mọi người yêu thích em cảm thấy rất vui và tự hào”.
Không chỉ sôi nổi trong việc xây dựng, duy trì và phát huy các đội cồng chiêng, làng Groi còn là nơi lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất xã Kông Pla. Ngoài bộ cồng chiêng chung còn có 30 bộ cồng chiêng được các gia đình giữ gìn cẩn thận, có nhiều nhà sở hữu đến 3 bộ cồng chiêng. Đây là nét đẹp mà mỗi khi nhắc đến, người dân trong làng Groi đều cảm thấy tự hào. Theo thống kê, xã Kông Pla có 9 đội cồng chiêng thuộc 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hai đội chiêng thiếu nhi và hai đội chiêng nữ. Bà con trong các ngôi làng của xã Kông Pla cũng còn lưu giữ 83 bộ cồng chiêng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Trinh, cán bộ văn hóa xã Kông Pla, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Những năm qua, cùng với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, bà con đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng. Bằng chứng là lực lượng tham gia biểu diễn cồng chiêng ngày càng được trẻ hóa. Thanh thiếu nhi trong các ngôi làng được quan tâm truyền dạy cồng chiêng thường xuyên tạo được phong trào thi đua sôi nổi. Nhờ đó, văn hóa cồng chiêng được gìn giữ một cách vững bền”.
Để kịp thời hỗ trợ, động viên và khích lệ bà con gắn bó với văn hóa cồng chiêng, xã Kông Pla thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các làng mua bộ cồng chiêng, trang phục biểu diễn. Đồng thời, đều đặn cách 2 năm một lần, xã tổ chức Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng nhằm tạo không gian cho các đội cồng chiêng được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.