Máy tạo nhịp tim được cấy vĩnh viễn vào người bệnh nhân để xung điện điều chỉnh nhịp tim, dự phòng những bất trắc sức khỏe có thể xảy ra. Ðặt máy tạo nhịp 2 buồng, đặt biệt cấy dây nhĩ là một thủ thuật khó, đã được triển khai tại Bình Ðịnh.
Bác sĩ Phan Nam Hùng cấy máy tạo nhịp tim vào người bệnh nhân.
Ngày 4.9, bà Lương Thị Xuân (82 tuổi, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) bị rối loạn nhịp tim, nhập viện trong tình trạng nguy kịch: Tim đập chậm 35 lần/phút, suy thận, suy hô hấp, khó thở, huyết áp tăng cao, sưng phù, thiếu máu nặng và hay ngất. Ca phẫu thuật do bác sĩ CKII Phan Nam Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch (BVĐK tỉnh) thực hiện gần 2 giờ mới đặt xong máy tạo nhịp 2 buồng tim tái đồng bộ nhịp nhĩ thất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Nam Hùng, cho biết: Trường hợp bà Xuân khá đặc biệt, đường đi tĩnh mạch dưới đòn bên trái bị dị dạng, vì thế phải chọn đường vào là tĩnh mạch dưới đòn bên phải. Đây là ca phẫu thuật khá phức tạp, một phần bệnh nhân cũng đã lớn tuổi, sức yếu. Phẫu thuật phải thực hiện từng bước, cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sau phẫu thuật, nhịp tim bà Xuân đã bình thường trở lại, ăn được, ngủ được. Bà rất vui vẻ, phấn khởi, đang chờ ngày xuất viện. Gia đình cũng vui vì đã quyết định đúng đắn làm phẫu thuật tại BVĐK tỉnh, chứ không chuyển tuyến trên.
Tương tự là bệnh nhân Hà Kim Trọng (52 tuổi, xã Cát Tân, huyện Phù Cát) cũng vừa được phẫu thuật. Ông Trọng kể: “Tôi đã đi thăm khám nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh, cũng uống thuốc rồi nhưng không khỏi. Khám tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, các bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim chậm và khuyên tôi về Bình Định để đặt máy tạo nhịp tim, đỡ tốn kém chi phí. Ban đầu, tôi cũng có hơi lo vì đưa cả máy vào người như thế liệu có an toàn không. Thật không ngờ, nhịp tim của tôi đã ổn định trở lại từ 20 lần/phút, giờ gần 70 lần/phút và có thể ngồi dậy, đi đứng bình thường.
Đó là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh rối loạn nhịp tim tại khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh. Theo thống kê, mỗi năm, khoa tiếp nhận 60 – 70 bệnh nhân bị rối loại nhịp tim. Căn bệnh này đang có xu hướng tăng nhanh theo tuổi thọ của người dân.
Máy tạo nhịp tim sẽ tự kích hoạt để đưa nhịp tim của người bệnh trở lại bình thường. Máy được cấy vào người, có thể sử dụng trên 12 năm mới thay pin, và thủ thuật thay chỉ mất khoảng 20 phút. Hiện nay, chi phí để cấy máy này tại BVÐK tỉnh khoảng 80 – 90 triệu đồng, nhưng nếu có BHYT chỉ còn khoảng 25 triệu đồng.
Bà Lương Thị Xuân sức khỏe đã ổn định sau khi được cấy máy tạo nhịp tim.
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, suy nút xoang và block nhĩ thất là căn bệnh nguy hiểm có thể gây ra nhiều triệu chứng và suy tim do mất đồng bộ cơ tim. Biến chứng sau cùng là ngừng tim, đột tử. Bệnh này không có thuốc điều trị ở dạng uống mà dùng máy tạo nhịp để gửi tín hiệu điện đến kích thích tim.
Tại Việt Nam, từ năm 2010, đặt máy tạo nhịp 2 buồng được thực hiện nhiều ở các trung tâm tim mạch lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên- Huế. Riêng bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Bình Định, chưa áp dụng kỹ thuật đặt máy tạo nhịp 2 buồng, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để đặt máy tạo nhịp. “Kỹ thuật này đã được chúng tôi áp dụng từ nhiều năm trước và được cải tiến dần theo từng giai đoạn. Từ đặt máy loạn nhịp, chúng tôi nghiên cứu phát triển thành máy tạo nhịp một buồng tim (VVI hoặc VVIR), rồi máy tạo nhịp hai buồng tim, máy tạo nhịp hai buồng tim tái đồng bộ nhĩ thất; hiện đang tiếp tục phát triển kỹ thuật này và dự kiến sẽ chuyển giao kỹ thuật này trong thời gian tới”, ông Hùng chia sẻ.
Kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp tim đang được áp dụng hiện nay tại BVĐK tỉnh là một phần đề tài “Nghiên cứu đặt máy tạo nhịp hai buồng tim tái đồng bộ nhĩ thất trong điều trị suy nút xoang và block nhĩ thất tại BVĐK tỉnh Bình Định” do bác sĩ Phan Nam Hùng làm chủ nhiệm, được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu cuối năm 2019, đạt xuất sắc. TS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết, thời gian tới, bệnh viện tăng cường đào tạo nhân lực và ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.