Home / Doanh nghiệp / 24 thương nhân không xuất khẩu gạo 18 tháng liên tục

24 thương nhân không xuất khẩu gạo 18 tháng liên tục

Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 24 thương nhân có trụ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục.

Bộ Công Thương cho biết, 24 thương nhân không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6553/BCT-XNK về việc thúc đẩy xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương cho biết theo thống kê của Tổng cục Hải quan có 24 thương nhân có trụ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thái Bình, Trà Vinh và Vĩnh Long không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 1/9/2020, cả nước có 192 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 41 doanh nghiệp, tiếp đến là TP.Hồ Chí Minh có 33 doanh nghiệp, Long An 25 doanh nghiệp, An Giang 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp 17 doanh nghiệp, Hà Nội 8 doanh nghiệp, Kiên Giang 6 doanh nghiệp, Nghệ An 7 doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận một trong các trường hợp, cụ thể là thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngưng kinh doanh theo qui định của phát luật.

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kịp thời tận dụng cơ hội nhập khẩu từ thị trường thế giới, Bộ Công Thương quyết định không tính thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tương đương khoảng 6 tháng vào thời hạn 18 tháng theo quy định tại Nghị định số 107.

Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện qui hoạch sản xuất lúa, chỉ đạo việc cung ứng vật tư, cơ cấu giống, thực hiện kĩ thuật canh tác, nâng cao chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời chỉ đạo việc mua thóc, gạo trực tiếp từ người sản xuất và mua qua hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo kí với người sản xuất chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn…

Với Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình cung – cầu gạo, thị trường trong và ngoài nước, khách hàng nhập khẩu, giá cả và dự báo thương mại gạo, thông tin về xuất khẩu và tiêu thụ thóc, gạo trên trang thông tin địa tử để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có cơ sở tham khảo, định hướng sản xuất và kinh doanh.

Nguồn:baodautu.vn