Tới đây người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tới tận gia đình thông qua hệ thống Telemedicine và Teleheatlh (y học từ xa) mà không cần phải đi lên tuyến trên, thậm chí ngay tại nhà. Tuy nhiên bên cạnh các yêu cầu về nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị… cần có hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán thông qua quỹ BHYT để không ảnh hưởng đến quyền lợi của bác sỹ và người dân…
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Ứng dụng Telemedicine trong chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình được Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 8/10
Hội nghị nhằm thông tin về tình hình chăm sóc sức khỏe ban đầu có ứng dụng Telemedicine trên thế giới; nền tảng công nghệ cho Telemedicine; các thiết bị theo dõi chỉ số sức khỏe thường dùng trong Telemedicine. Các bệnh viện chia sẻ về bước đầu triển khai ứng dụng Telemedicine trong chăm sóc sức khỏe tại nhà; việc tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà theo mô hình Buurtzorg có kết hợp Telehealth…
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tập trung đẩy khám, chữa bệnh từ xa là ưu tiên của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay, nhằm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng đến người dân. Đây cũng là hoạt động cần thiết giúp cho chính bệnh viện nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: tập trung đẩy khám, chữa bệnh từ xa là ưu tiên của ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay.
Dựa trên nền tảng hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà ngành y tế đang triển khai, tới đây ngành y tế sẽ thí điểm đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên nguyên lý y học gia đình thông qua 2 hệ thống Telemedicine và Telehealth.
Đây là 2 hoạt động sử dụng công nghệ để chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh từ xa và áp dụng công nghệ giúp người bệnh quản lý bệnh của mình thông qua hệ thống hỗ trợ, giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin, công cụ tự theo dõi.
“Khi đó các trạm y tế, y tế tuyến huyện sẽ lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn theo nguyên lý y học gia đình, người bệnh sẽ được kết nối với bác sỹ tuyến dưới, thậm chí tuyến trên qua ứng dụng công nghệ để được tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hoặc tiến hành hội chẩn trực tuyến giữa các cơ sở y tế với nhau”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh
Theo Bộ Y tế, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới sẽ được tiến hành thí điểm tại Việt Nam. Khi triển khai hiệu quả sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên để đưa hoạt động này vào trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa bên cạnh các yêu cầu về nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị… cần có hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán thông qua quỹ BHYT để không ảnh hưởng đến quyền lợi của bác sỹ và người dân
Khám chữa bệnh từ xa gồm các hoạt động như tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn khám bệnh chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn xét nghiệm cận lâm sàn, giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và một số hoạt động khác.
Tại Hội nghị ứng dụng Telemedicine trong chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để hoàn thiện những vấn đề về quy định thanh toán, giá một hội chẩn, cách thức tổ chức một buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa…
Đồng thời xác định các tiêu chí cho bệnh nhân, loại bệnh triển triển khai được khám bệnh, chăm sóc từ xa, tại nhà; cơ sở y tế cần những điều kiện nào để có thể triển khai dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc từ xa; cũng như danh mục các phương tiện lỹ thuật phục vụ cho hoạt động này. Theo các đại biểu, cần phân biệt rõ các khái niệm Telemedicine và Telehealth.
Trong đó, Telemedicine là sử dụng công nghệ để chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh từ xa, còn Telehealth áp dụng công nghệ giúp người bệnh quản lý bệnh của mình thông qua hệ thống hỗ trợ, giáo dục sức khoẻ, cung cấp thông tin, công cụ tự theo dõi.
Việc sử dụng trang thiết bị cho người bệnh để hỗ trợ cho trong theo dõi, quản lý sức khỏe tại địa phương kết nối với các chuyên gia tuyến cũng là một trong những biện pháp để phát triển công tác khám, chữa bệnh từ xa.
Theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh – Trưởng Bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội: Chăm sóc sức khoẻ theo nguyên lý y học gia đình nếu ứng dụng khám chữa bênh từ xa sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho bệnh nhân. Khám chữa bệnh từ xa giúp người dân kết nối với bác sỹ, chia sẻ thông tin sức khoẻ của mình để đưa ra lời tư vấn phù hợp hoàn cảnh, kinh tế và điều kiện sức khỏe của mỗi cá nhân, giảm thiểu đi lại giữa người dân với các cơ sở y tế, góp phần làm giảm quá tải cho tuyến trên.