Sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến. Thực tế, các địa phương có sản phẩm “đinh” sẽ là những “thỏi nam châm” hút khách rất lớn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu xây dựng sản phẩm du lịch mới càng trở nên cấp bách hơn, bắt kịp xu hướng du lịch của du khách. Trước tình hình đó, Hà Nội xác định sẽ chú trọng khai thác yếu tố độc đáo, sáng tạo để xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Du khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Tâm
Vượt qua thách thức
Sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu nhiều bất lợi nhất. Ngành Du lịch Thủ đô đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế và khách du lịch nội địa. 9 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội giảm 68,7%, tổng thu từ khách du lịch giảm 68,3%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức rất lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Hà Nội đã khống chế thành công dịch Covid-19 lần thứ hai. Ngành Du lịch Thủ đô kỳ vọng vào kịch bản phục hồi và phát triển sau khi dịch được kiểm soát từ giữa tháng 9-2020. Theo Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, với sự điều chỉnh mục tiêu phù hợp, ngành Du lịch Hà Nội phấn đấu năm 2020 đón lượng khách nội địa đạt 50 – 60% so với năm 2019, tương đương 7,1 – 8 triệu lượt khách nội địa; lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 đạt 8,2 – 9,2 triệu lượt; tạo đà để năm 2021 đón lượng khách nội địa đạt từ 70% – 100% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch tập trung tham mưu cho Thành phố lựa chọn và ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn trở thành khu, điểm du lịch chất lượng cao; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch mới, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội; phát triển các sản phẩm du lịch về đêm…
Ông Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch phải tìm ra những hướng đi mới và cơ cấu lại để thích ứng. Nhiều nhu cầu du lịch mới được hình thành, đòi hỏi ngành Du lịch Thủ đô phải xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, vừa mang tính truyền thống, độc đáo, vừa mang tính khác biệt và có giá trị sáng tạo cao”.
Du khách lựa chọn sản phẩm của làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: Linh Tâm
Phát huy lợi thế sẵn có
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều doanh nghiệp đã hiến kế để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu du lịch Thủ đô. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours chia sẻ: “Xu hướng đi du lịch của du khách đã thay đổi nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm và tư duy, tăng cường tính sáng tạo để tạo ra những yếu tố mới”.
Theo ông Hoan, staycation (du lịch tại chỗ) đang là xu hướng phổ biến và Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Du lịch tại chỗ được hiểu là du khách không cần đi xa mà có thể tận hưởng các dịch vụ du lịch ngay tại nơi mình sống. Nắm bắt xu hướng này, Flamingo Redtours vừa tung ra thị trường các gói du lịch tại chỗ với giá ưu đãi. Theo đó, du khách được hưởng những dịch vụ trước đây khó tiếp cận như nghỉ tại khách sạn 5 sao Intercontinental Westlake, Sofitel Legend Metropole hay xa hơn là Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), Flamingo Cát Bà Beach Resort (Hải Phòng).
Từ góc nhìn ở một quận trung tâm Thủ đô với nhiều tiềm năng, lợi thế, ông Lê Hoàng Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận đang hợp tác chặt chẽ với các ban, ngành và doanh nghiệp để triển khai các sản phẩm du lịch mới, trong đó Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù quận Hoàn Kiếm đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đặt ra những định hướng chính về phát triển sản phẩm; tập trung bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội; phát huy thế mạnh ẩm thực Hà thành; thúc đẩy loại hình du lịch mua sắm, xây dựng quận Hoàn Kiếm trở thành trung tâm du lịch mua sắm sôi động, mang đẳng cấp khu vực. Cùng với đó, quận cũng chú trọng đến việc phát triển kinh tế đêm bởi đây là một trong hệ sản phẩm mở ra hướng đi mới, độc đáo, khác biệt.
Với sự nỗ lực vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, nhiều sản phẩm mới mang thương hiệu Du lịch Thủ đô hậu dịch Covid-19 hứa hẹn sẽ cho “trái ngọt”. Đó là cách đưa du lịch trở lại thời kỳ đỉnh cao như khi chưa có đại dịch xảy ra.