Home / Kinh tế / Ðến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp hằng năm 30% GDP khối nông – lâm – ngư nghiệp

Ðến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp hằng năm 30% GDP khối nông – lâm – ngư nghiệp

Xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản

Ngày 26-10, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Ðức Tiến chủ trì hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 và xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đến dự.

Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1434/QÐ-TTg ngày 22-9-2017. Bộ NN&PTNT cùng với UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của chương trình, với 148 dự án đầu tư thực hiện hoàn thành. Trong đó, Bộ NN&PTNT thực hiện hoàn thành 30 dự án, như: 15 dự án cảng cá có 2.090 lượt tàu cập cảng/ngày, lượng thủy sản qua cảng đạt 295.000 tấn/năm; 5 dự án nuôi trồng thủy sản với diện tích tăng thêm 8.377ha; 2 dự án vùng sản xuất giống thủy sản cung cấp cho thị trường 1,5 tỉ giống nhuyễn thể sạch bệnh, từ 6-7 tỉ tôm giống sạch bệnh; 2 dự án tăng cường năng lực quản lý ngành thủy sản cho vùng ÐBSCL và quan trắc cảnh báo môi trường phòng ngừa dịch bệnh thủy sản… UBND các tỉnh, thành phố thực hiện hoàn thành: đầu tư 13 dự án cảng cá; 50 dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền bè; 89 dự án nuôi trồng thủy sản; 18 dự án sản xuất giống thủy sản… Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 14.470 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Qua đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản trung bình hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 6%; tổng sản lượng thủy sản tăng, cụ thể: năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, dự kiến năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra (từ 6,5 đến 7 triệu tấn); giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỉ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỉ USD, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra (đạt từ 8 đến 9 tỉ USD)…

Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các chỉ tiêu, như: đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông – lâm – ngư nghiệp cả nước; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 10 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 70-75%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỉ USD; giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động; 100% các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường…

►Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Ðức Tiến chủ trì hội nghị xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021-2025. nhằm bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản và lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp vùng ÐBSCL để hoàn thiện, trình Thủ trướng phê duyệt.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu chung nhằm nâng cao năng lực tổ chức kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên một số đối tượng thủy sản, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra và đối tượng có giá trị cao như tôm hùm, cá hồi, cũng như đối tượng có sản lượng nuôi nhiều là cá rô phi, nghêu… Theo đó, Bộ đã đề ra nhiều nội dung, giải pháp cụ thể như: kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành; giám sát tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản; ngăn chặn có hiệu quả những bệnh nguy hiểm mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh… Ðồng thời, đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan từ cấp Trung ương đến địa phương. Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm có trên 47,6 nghìn ha và trên 15 nghìn lồng, bè và vèo nuôi thủy sản bị thiệt hại, ước tính tổn thất trên 3.000 tỉ đồng/năm. Giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8-2020), bình quân mỗi năm có gần 45 nghìn ha và trên 26 nghìn lồng, bè, vèo nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, ước tổn thất trên 2.960 tỉ đồng/năm. Nguyên nhân do  ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Do vậy, cần phải có kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản để huy động tốt các nguồn lực và xác định hệ thống giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhằm phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả.

Nguồn: baocantho.com.vn