Home / Giáo dục / Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: mỗi cơ sở giáo dục phải là biểu tượng của văn hóa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: mỗi cơ sở giáo dục phải là biểu tượng của văn hóa

Ngày 31-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự. Tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý tham dự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bảo đảm cho mọi học sinh có đủ sách vở

Trước giờ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. Trước mắt, các nguồn ủng hộ ưu tiên cho sách vở, cố gắng bảo đảm tất cả học sinh có sách vở đến trường, sớm ổn định việc học tập. Ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã quyên góp, ủng hộ giáo viên, học sinh các tỉnh miền Trung.

Hội nghị đã cùng điểm lại những kết quả nổi bật năm học 2019-2020, đáng chú ý là việc toàn ngành đã hoàn thành tốt mục tiêu kép là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và kế hoạch năm học. Chất lượng giáo dục – đào tạo được bảo đảm. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 diễn ra nghiêm túc, an toàn, đáp ứng được mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giảm áp lực cho thí sinh và nền nếp, chất lượng hơn. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, giảng dạy và đang thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để phê duyệt, đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022.

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, trong đó ưu tiên nhiệm vụ rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; điều chỉnh định mức giáo viên…

Hà Nội tăng cường đầu tư cho sự nghiệp đổi mới

Ý kiến tham luận của một số bộ, ngành, địa phương đã làm rõ hơn những kết quả đạt được, thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 và đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch năm học 2020-2021, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh… Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, quy mô ngành Giáo dục Thủ đô hiện có 2.792 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,1 triệu học sinh. Toàn thành phố có 59,1% số trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 71,9% số trường công lập); 20 trường chất lượng cao.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Để triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Hà Nội xác định 6 giải pháp, trọng tâm là tăng cường đầu tư cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học, nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện cho người dân được học mọi lúc, mọi nơi…

Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn về tiêu chuẩn, nhiệm kỳ và thẩm quyền công nhận đối với hiệu trưởng các trường mầm non và phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; về việc giao chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập; sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục…

Tập trung xây dựng văn hóa trong giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm học 2019-2020 và nhận định: Dù còn một số khuyết điểm, nhưng ngành Giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều tiến bộ vững chắc, toàn diện trên nhiều mặt.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục ưu tiên hơn nữa cho giáo dục; tập trung hơn đến việc xây dựng văn hoá trong giáo dục, từng cơ sở giáo dục phải là những cơ sở biểu tượng của văn hóa, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành Giáo dục liên quan đến toàn dân, mọi người dân đều quan tâm, có kinh nghiệm, hiểu biết thực tiễn về giáo dục. Vì vậy, để mọi người dân hiểu, đồng thuận và tham gia đóng góp phát triển cho sự nghiệp giáo dục, ngành Giáo dục cần tiếp thu ý kiến người dân với tinh thần cầu thị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đưa ra một số nguyên tắc, nguyên lý trong giáo dục. Đơn cử, với giáo dục phổ thông thì Nhà nước lo, hoặc trực tiếp, hoặc xã hội hóa để bảo đảm đủ trường lớp, giáo viên để học sinh được học 2 buổi/ngày; tạo cơ sở bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi học sinh, không  được chọn “đầu vào”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần và có điều kiện đi đầu trong chuyển đổi số. Để công cuộc đổi mới thành công, toàn ngành cần tiếp tục quyết tâm đổi mới, sáng tạo, vượt lên chính mình.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nguồn: hanoimoi.com.vn