Home / Thể thao / Tục buộc chỉ tay của người Tày, Nùng

Tục buộc chỉ tay của người Tày, Nùng

Tại các chợ phiên vùng cao hay khi đến bản làng trên địa bàn tỉnh, nếu để ý sẽ thấy trên tay một số người già, trẻ em đeo một sợi dây chỉ hoặc sợi len màu đỏ. Đây là tục lệ có từ lâu đời trong thế giới tinh thần của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, là nghi thức cầu an đến nay vẫn được lưu giữ.

Em bé được làm lễ buộc chỉ tay trong ngày đầy tháng.

Gia đình chị Hoàng Thị Diễm, dân tộc Tày, xã Nam Quang (Bảo Lâm) tổ chức lễ đầy tháng con gái. Gia đình mời thầy cúng về làm lễ báo cáo gia tiên và cầu bình an cho đứa trẻ. Quá trình làm lễ, thầy cúng đồng thời làm lễ buộc chỉ vào cổ tay cho đứa bé.

Khi làm lễ, thầy cúng đặt đoạn chỉ đỏ lên bàn thờ rồi cầu nguyện phù trợ cho đứa trẻ giữ được vía luôn mạnh khỏe, bình an, hay ăn chóng lớn. Làm lễ xong, chỉ được mang xuống buộc vào tay đứa bé. Theo thông lệ, con chị Diễm là bé gái nên buộc dây vào tay phải từ 9 sợi chỉ tết lại (tượng trưng 9 vía), nếu là bé trai sẽ  buộc 7 sợi chỉ vào tay trái (tượng trưng 7 vía).

Không chỉ trong lễ đầy tháng, các lễ cầu an cho người già, lễ giải hạn đầu năm… của người Tày, Nùng cũng thực hiện tục buộc chỉ tay này. Theo các vị cao niên, tục buộc chỉ tay xuất phát từ cuộc sống đời thường, sinh hoạt, lao động và sản xuất, con người luôn phải gồng mình chống chọi với quy luật sinh tồn của thiên nhiên.

Đồng bào Tày, Nùng quan niệm mỗi con người đều tồn tại hồn vía (người Tày, Nùng gọi là “khoăn”) song hành và được coi là một thực thể siêu hình vô cùng quan trọng. Hồn vía con người luôn gắn bó với thân xác của đời người bắt đầu từ lúc sinh ra đến khi trở về cõi vĩnh hằng.

Theo quan niệm của người Tày, Nùng, đàn ông có 7 hồn vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì họ không còn tồn tại đích thực trên thế gian, hoặc người đó bị lạc đi vài vía sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và không an lành trong cuộc sống. Chính vì thế, trong các ngôi nhà của người Tày, Nùng tại các bản vùng cao thường có một chiếc giỏ dán giấy màu đặt nơi quá giang của nhà sàn. Đó chính là “bồ đựng vía”, nơi vía trú ngụ của từng thành viên trong gia đình.

Cũng từ quan niệm này, người Tày, Nùng cho rằng trẻ nhỏ vía còn non nớt nên gia đình, dòng tộc tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay khi trẻ tròn một tháng tuổi (còn gọi là buộc vía), có trẻ được gắn, đeo một chiếc vòng vía bằng bạc nguyên chất trên cổ hoặc cổ tay, cổ chân. Khi trẻ nhỏ được địu, cõng, bế đi đường xa thì cha, mẹ, ông, bà thường bôi lên trán trẻ một vệt nhọ nồi với quan niệm đánh dấu để vía trẻ nhớ theo ông bà, cha mẹ trở về nhà.

Tục buộc chỉ cổ tay của người Tày, Nùng hầu như không tốn kém cũng không mang nặng vấn đề mê tín dị đoan mà đơn thuần chỉ là một nghi thức cầu an nhằm củng cố tinh thần cho con người luôn vững tin hơn với mong muốn người được làm lễ buộc chỉ tay và sau khi buộc chỉ tay luôn khỏe mạnh, có cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Sợi chỉ đỏ như lá bùa hộ mệnh bảo vệ mỗi người, mang đến những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi buộc chỉ cổ tay, người được buộc cũng phải tuân thủ một số điều kiêng kị như: Không được tự ý tháo dây buộc chỉ tay trừ khi chỉ tự đứt; sau lễ buộc chỉ tay phải đeo trên tay ít nhất 2 tuần đến 1 tháng…

Tục buộc chỉ cổ tay mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, hiện vẫn được duy trì trong đời sống tinh thần của người dân. Sợi chỉ buộc tay chỉ là một vật vô tri nhưng qua mỹ tục của đồng bào Tày, Nùng trở thành kỷ vật ẩn chứa trong đó niềm mong mỏi cuộc sống bình an.

Nguồn: baocaobang.vn