Ngày 10/11/2020, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về “Giao dịch thương mại trên sàn TMĐT và các vấn đề pháp lý”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – Viac, phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM – ITPC và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – Vecom tổ chức.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10.08 tỷ USD, chiếm 4.9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. Với những thống kê ấn tượng này, có thể thấy, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động, phát triển vô cùng nhanh chóng.
Nhưng để thành công trên sàn giao dịch TMĐT, doanh nghiệp cần nắm rõ bức tranh toàn cảnh về giao dịch trực tuyến, cùng với đó là những vấn đề pháp lý quan trọng trong giao dịch.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn – Phó GĐ ITPC, cho biết: các bước tiến vượt bậc của ngành thương mại điện tử là nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi hóa, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và trên hết là các doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0. Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, doanh nghiệp đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội…để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây là tín hiệu rất tốt, nhất là khi chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
LS.Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC, nhận định: chúng ta đang nỗ lực để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 do đó việc xây dựng nền tảng thương mại điện tử tốt, an toàn là điều vô cùng cần thiết. So với khoảng thời gian trước đây, có thể thấy, không chỉ người dân thay đổi mà doanh nghiệp cũng đang ngày càng có nhiều cải tiến hơn trong công nghệ điện tử.
Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Vecon nói rằng: xu hướng mua hàng trên smartphone ngày càng tăng nhưng bất cập của TMĐT trong thời gian qua là không có hàng để bán. Ví dụ hàng từ Nhật, Đức…dù người ta muốn mua cũng không có hàng để bán, ở siêu thị hay các sàn trực tuyến mất đi một nguồn hàng do cấm biên. Đó cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam; dịch covid-19 gây ra nhiều thay đổi lên nền kinh tế toàn cầu bao gồm Việt Nam. Điều đáng chú ý là do ảnh hưởng bởi các quy định cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng đã dần quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến và tiêu dùng thông thái. Đây là cơ hội mở cho các doanh nghiệp thực hiện bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.
Trong phần trình bày của ông Nguyễn Chánh Phương – Chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), với sự trải nghiệm từ thực tiễn của sang giao dịch TMĐT sẽ là là bài học quý giá cho nhiều doanh nghiệp muốn bán hàng có “giá trị” trên sàn TMĐT. Ông Chánh Phương cho biết: mỗi năm Hawa tổ chức 03 hội chơ nhưng trong năm 2020, do dịch Covid-19 nên không tổ chức đươc và Hawa đã chuyển sang tổ chức online, Be to Be cũng được giao dịch bằng online, thậm chí những chuyến thăm nhà máy cũng bằng hình thức online. Sàn giao dịch TMĐT của Hawa được mở ra phục vụ cho 03 đối tượng là khách hàng – doanh nghiệp trưng bày – phần về Hawa. Như vậy, để đảm bảo người vào sàn giao dịch TMĐT phải là “khách hàng”, nếu là đối thủ, chúng tôi sẽ có biện pháp ngăn chặn. Nếu như khách hàng đó không cung cấp đầy đủ thông tin yêu cầu thì các shop sẽ không mở những cửa tiếp theo để cho tham quan. Với không gian sàn giao dịch 3600, người tham quan sẽ có được g1c nhìn khá rộng và ấn tượng, dễ dàng chọn lựa hàng hóa.
Ngoài ra; còn có phần trình bày của Quản lý cấp cao Amazon Global Selling VietNam, sàn kinh doanh điện tử Tiki…từ góc nhìn của nhà cung cấp và sàn giao dịch. Các diễn giả đã có những nhận định tích cực và kỳ vọng vào sự phát triển của thương mại điện tử. Như vậy, thương mại điện tử đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới giúp doanh nghiệp kết nối với đa dạng khách hàng, đối tác, tăng doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng một cách đáng kể.
Tại buổi hội thảo; nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các bên, tăng cường kết nối để phổ biến các kiến thức pháp lý trong giao dịch trực tuyến đến cộng đồng doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Đại diện ITPC và Viac và Vecom đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, các bên mong muốn sẽ chung tay đồng hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và tránh các rủi ro pháp lý khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.